Chiều 9-2, thông tin tại cuộc họp báo về hội nghị vùng Đồng bằng sông Hồng cho biết, hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vào ngày 12-2-2023 tại tỉnh Quảng Ninh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Dự kiến có khoảng 900 đại biểu sẽ tham dự hội nghị.
Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững” và gian hàng trưng bày sản vật đặc trưng, sản phẩm công nghiệp và tư liệu xúc tiến đầu tư của các địa phương trong vùng cũng sẽ được tổ chức cùng thời điểm diễn ra hội nghị.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển nhanh và bền vững.
Tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước. Thu ngân sách Nhà nước tăng đáng kể, gấp 9,5 lần so với năm 2005, cao hơn bình quân cả nước (6,6 lần), chiếm 32,7% tổng thu ngân sách Nhà nước; thu nội địa tăng nhanh và có tỷ trọng cao nhất trong các vùng kinh tế (chiếm 80,2% tổng thu ngân sách).
Đáng lưu ý, vùng Đồng bằng sông Hồng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành 3 cực tăng trưởng trong tam giác động lực phát triển kinh tế vùng...
Tuy nhiên, vùng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chuyển dịch kinh tế chậm, các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn, lao động và tài nguyên; thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Năng suất lao động chậm cải thiện. Khoa học công nghệ chưa trở thành động lực cho phát triển. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn chậm, nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị. Đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ.
Thiếu liên kết các khu công nghiệp, chưa hình thành các cụm liên kết ngành. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ; chênh lệch về mức độ phát triển giữa hai tiểu vùng và giữa một số địa phương trong vùng khá lớn. Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng như các tuyến vành đai, các tuyến hướng tâm, các tuyến kết nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hiệu quả.