Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ

Sáng 18-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Cùng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT; Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Dự còn có các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, các địa phương trong vùng.

Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Bộ KH-ĐT về kế hoạch hoạt động triển khai Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học sẽ trình bày tham luận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu trước giờ hội nghị diễn ra. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu trước giờ hội nghị diễn ra. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, tham luận về giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ đồng bộ, hiện đại. Các giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực.

Hội nghị tìm giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Các giải pháp xử lý vấn đề môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng trung tâm dữ liệu vùng, phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistic dọc tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4...

Hội nghị cũng tập trung lắng nghe các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù Đông Nam bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xanh, trung tâm tài chính...

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Vùng Đông Nam bộ gồm TPHCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022). Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.

Lãnh đạo UBND TPHCM dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lãnh đạo UBND TPHCM dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ mục tiêu xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số.

Đồng thời, quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ vùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của vùng.

Nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 463. Thực hiện trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch, Bộ KH-ĐT đã xây dựng nội dung về các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của vùng, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch vùng.

Tin cùng chuyên mục