Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm

Đây là sự kiện thường niên trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Ban cán sự đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương. Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp đồng chủ trì tổ chức thường niên và đột xuất theo chuyên đề. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm diễn ra ngày 17-12 tại Hà Nội.
Các đại biểu dự hội thảo chuyên đề sáng 17-12
Các đại biểu dự hội thảo chuyên đề sáng 17-12

Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, để góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng; đồng thời, cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Diễn đàn nhằm thảo luận, làm rõ về đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Chiều nay, 17-12, tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì. Phiên toàn thể sẽ thảo luận 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023 do đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) trình bày; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023 do Giám đốc ADB tại Việt Nam trình bày; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023 do Chủ tịch Quỹ VinaCapital trình bày; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 do Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trình bày.

Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cùng các diễn giả thảo luận, làm rõ các kết quả tiêu biểu và bài học rút ra từ thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022. Nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023. Dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023. Đề xuất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm nắm bắt và cụ thể hóa cơ hội, vượt qua các khó khăn và thách thức để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023…

Trong sáng 17-12, trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì.

Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” tập trung thảo luận về kiến tạo không gian phát triển kinh tế mới thông qua đẩy nhanh triển khai đồng bộ và quyết liệt các chủ trương, định hướng về phát triển các vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo thị trường và động lực phát triển mới trong năm 2023; đẩy nhanh chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng mới và đổi mới công tác truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội cho phát triển kinh tế năm 2023. Phát huy và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo. Tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới năm 2023 thông qua đẩy nhanh tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” tập trung thảo luận về lành mạnh hóa thị trường tài chính Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững - Thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023. Phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam - những bất cập, rủi ro, thách thức lớn và các khuyến nghị chính sách. Cùng với đó là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với yêu cầu bảo đảm ổn định tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Lành mạnh hóa thị trường bất động sản thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững năm 2023.

Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp” tập trung thảo luận về khơi thông nguồn lực đầu tư công để dẫn dắt tăng trưởng trong môi trường nhiều bất định năm 2023. Triển vọng kinh tế vĩ mô 2023 và định hướng điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tháo gỡ điểm nghẽn về đầu tư công - góc nhìn từ các địa phương; đón đầu và thúc đẩy dòng vốn tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam.

Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023” tập trung thảo luận về triển vọng thị trường lao động toàn cầu 2023 và các gợi ý chính sách đối với Việt Nam. Tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động năm 2022 và kiến nghị, đề xuất. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức năm 2023. Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi cho người lao động: thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023.

Tin cùng chuyên mục