Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trình bày tóm tắt một số đặc điểm tình hình và thành tựu nổi bật của tỉnh.
Bình Thuận là tỉnh nằm ở cực Nam vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có đường bờ biển dài 192km với nhiều thắng cảnh, bãi biển đẹp, có đặc điểm khí hậu “nhiều nắng, nhiều gió”.
Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên. Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đã và đang được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, gồm: đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam (đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Cam Lâm), sân bay Phan Thiết, có Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân,...
Sau 30 năm tái lập tỉnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Thuận phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt, đạt được một số thành tựu quan trọng.
Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2,77%; 6 tháng đầu năm 2022 (GRDP) tăng 6,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Về du lịch, đến tháng 8-2022, toàn tỉnh đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 4.489 tỷ đồng, bằng 42,4% kế hoạch năm, tăng 17% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận cũng đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và kết quả phát triển của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm lực, lợi thế của tỉnh; việc thu hút các dự án đầu tư vẫn còn hạn chế; việc liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập;…
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.
Đối với công nghiệp, tập trung phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; tận dụng tối đa các tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG; phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất nước;…
Đối với du lịch, tập trung nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu Khu du lịch quốc gia Mũi Né, lấy đó làm hạt nhân lan tỏa để tiếp tục mở rộng không gian du lịch ra phía Bắc và phía Nam với nhiều loại hình du lịch, dịch vụ đa dạng, phong phú.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của tỉnh, gồm: tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; xem xét, cho phép tỉnh được lập Đề án thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển; xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với Chiến lược biển Việt Nam; xem xét phương án chuyển đổi mạnh mẽ, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII.
Bên cạnh đó quan tâm chỉ đạo, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ La Ngà 3 nhằm tạo nguồn nước cung cấp không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn một phần các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu; xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia một số khu vực ven biển, khu vực nhạy cảm về môi trường; chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lượng tro, xỉ;…
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương đều tán thành những kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Trong đó, đại diện Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT ủng hộ đề xuất của tỉnh Bình Thuận về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để sớm xây dựng dự án hồ chứa nước La Ngà 3, góp phần đảm bảo nguồn nước không chỉ cho Bình Thuận và một phần các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, Bình thuận nên đi theo hướng phát triển cân bằng. Trong đó, ngoài năng lượng, khu vực Bình Thuận nằm sát các trục kinh tế trọng điểm phía Nam, cuối trục Bắc - Nam, nên cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là về bất động sản.
Với những kết quả đã đạt được, Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chia vui với tỉnh Bình Thuận vì đã biết vượt lên khó khăn, thách thức để biến cái khó khăn thành lợi thế phát triển du lịch, năng lượng tái tạo,… Đồng thời, tỉnh cũng đã phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Bình Thuận sớm hoàn thiện quy hoạch về du lịch, tích hợp quy hoạch du lịch vào quy hoạch chung của tỉnh. Bên cạnh đó, cần quy hoạch sản phẩm du lịch nhằm tạo nét đặc sắc riêng của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua.
Về những kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương phối hợp với địa phương nhanh chóng có giải pháp để trình các cấp xem xét, tháo gỡ.
Thủ tướng lưu ý, Bình Thuận cần tiếp tục quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục phải cải thiện hơn nữa, tránh đầu tư dàn trải. Thu hút đầu tư phải phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững. Muốn làm được điều này, Bình Thuận phải tập trung 5 giải pháp, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển hạ tầng chiến lược; Xây dựng cơ chế, chính sách; Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Thuận tăng cường đoàn kết thống nhất, dân chủ; triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19, không để xảy ra thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung 3 trụ cột kinh tế mà tỉnh đã xác định là công nghiệp (năng lượng, chế biến), du lịch, thể thao biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, về công nghiệp, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Thuận phải xác định rõ, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo.
* Trước đó, cũng trong sáng 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thăm và làm việc với Tập đoàn NovaGroup tại Dự án NovaWorld Phan Thiết (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, NovaWorld Phan Thiết là một dự án lớn với nhiều chức năng và tiện nghi đẳng cấp quốc tế. Dự án có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận trong tương lai và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Vì vậy Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn phải phát triển du lịch với cách làm riêng biệt, đặc trưng, hài hòa với thiên nhiên, môi trường.
* Trước đó, sáng cùng ngày, nhân chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận và tham quan Di tích Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết), nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng sống và dạy học, đây cũng là nơi ghi dấu hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.