Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống

Chiều 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐB). Có 46 ĐB đăng ký chất vấn Thủ tướng. Đáng chú ý, báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội chứa đựng nhiều thông điệp quan trọng.

Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực

Trước khi trả lời chất vấn ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan. Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục). Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ, trong đó giám sát chặt chẽ cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; theo dõi sát và nghiên cứu giải pháp xử lý hiệu quả đối với tín dụng bất động sản... 

“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực! Làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế, mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC 

Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp. Chính phủ sẽ kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Khắc phục yếu kém trong điều hành xăng dầu

Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí và sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài, phải kiên trì nhưng không có nghĩa là trì trệ. “Xây” phải đi đôi với “chống” để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời và xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong hoàn cảnh bất thường thì phải sử dụng giải pháp khác thường, nhưng ở đây điều hành vẫn theo bình thường là việc phải rút kinh nghiệm. Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phải phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Trường hợp cần thiết sẽ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh các loại thuế liên quan; nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.

Bố trí 470.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

ĐB Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) chất vấn Thủ tướng về giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng để ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam chịu tác động biến đổi khí hậu rất lớn, nên phải dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu bao gồm chống sạt lở đê điều, hồ đập… Bên cạnh huy động nguồn lực Nhà nước, phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công - tư. Thủ tướng thông tin, nhiệm kỳ này dự kiến bố trí 470.000 tỷ đồng để đầu tư cho hạ tầng giao thông, rất lớn, gấp 3 nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác công - tư để có thêm nguồn lực làm hạ tầng giao thông.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu việc hợp tác công - tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong định giá thương hiệu công. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác công - tư xây dựng thương hiệu với các nước trên thế giới đã tương đối bài bản. Định giá một tổ chức sẽ bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu. Theo đó, khi hợp tác công - tư phải tính cả giá trị thương hiệu chứ không chỉ cơ sở vật chất. Đơn cử như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... khi hợp tác công - tư phải tính giá trị thương hiệu. “Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thương hiệu, từ đó tận dụng nguồn lực xã hội khi hợp tác công - tư”, Thủ tướng nói. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD năm 2022, là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022).

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu, dù Chính phủ quyết liệt đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”, tư tưởng làm ít sai ít. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài, phải kiên trì nhưng không có nghĩa là trì trệ. Theo Thủ tướng, “xây” phải đi đôi với “chống” để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời và xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch.

Trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cải cách thể chế - một trong ba đột phá chiến lược; giải pháp để kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh phân cấp phân quyền để đảm bảo thực hiện nhanh nhất, tốt nhất nhiệm vụ; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐB, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp; đồng thời, triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực vừa được chất vấn.

Quốc hội điều chỉnh chương trình kỳ họp



Căn cứ đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4. Theo đó, bổ sung nội dung xem xét, quyết định việc bổ sung nội dung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.

Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra về vấn đề này vào sáng 7-11, kết hợp thảo luận ở tổ vào chiều 7-11 và thảo luận ở hội trường vào ngày 9-11. Bên cạnh đó, rút nội dung biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn; tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động. Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vẫn bế mạc vào ngày 15-11 như chương trình đã được Quốc hội quyết định.

BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục