Đây là cuộc làm việc thứ 2 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vòng 2 năm qua về việc nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa, địa danh có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 6 dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và tỉnh Lào Cai, Sa Pa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Số lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng hàng năm (tăng trung bình 23,4%/năm). Riêng năm 2018 đã đón khoảng trên 2,5 triệu lượt khách. Trên địa bàn huyện Sa Pa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 - 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành; có nhiều dự án lớn đã hoàn thành như quần thể khu du lịch, vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; Công viên văn hóa Sa Pa...
Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đến nay, Sa Pa đã trở thành khu du lịch đại chúng, nảy sinh nhiều bất cập về văn minh du lịch, thương mại, cần phải có mô hình tổ chức quản lý phù hợp để giải quyết tốt những phát sinh về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường. Xuất phát từ hiện trạng phát triển nhanh, toàn diện của đô thị Sa Pa và để Sa Pa thực sự trở thành đô thị trọng điểm về quốc phòng, an ninh trên tuyến hành lang biên giới Việt - Trung, ý kiến của Bộ Nội vụ cũng như các đại biểu đều cho rằng, việc thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở huyện Sa Pa là cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Sa Pa là một trung tâm du lịch của Việt Nam, của tỉnh Lào Cai, một điểm đến nổi tiếng. Việc đưa Sa Pa thành thị xã là khách quan, thực tế, do yêu cầu của sự phát triển, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh. Do đó, Thủ tướng nhất trí cần có bộ máy quản lý phù hợp với sự phát triển.
Thủ tướng nhất trí việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thị xã Sa Pa và các phường của thị xã Sa Pa. Thủ tướng đề nghị tỉnh Lào Cai phải giữ gìn văn hóa đồng bào các dân tộc, phát triển một Sa Pa văn minh, lịch sự, trật tự, vệ sinh, để làm sao đến Sa Pa, du khách ấn tượng mãi về một vùng đất, con người mến khách, cộng đồng hiền hòa.