Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao nhất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao nhất

>> Kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV

(SGGPO).- Cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức chiều nay 9-6 (ảnh).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì họp báo. 

Ông Trần Văn Túy trình bày Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,35%, thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm cao của công dân.

Kết quả bầu cử tại Hà Nội cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được 356.780 phiếu, đạt tỷ lệ  86,47% số phiếu hợp lệ. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải được 502.972 phiếu, đạt tỷ lệ 87,16%.

Tại TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được 293.079 phiếu, đạt tỷ lệ 75,08%; Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng được  509.447 phiếu, đạt tỷ lệ 85,02%.

Tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 476.357 phiếu, đạt tỷ lệ 99,48%.

Tại Cần Thơ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân được 308.683 phiếu, đạt tỉ lệ 91,46%.

Tại Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh được 292.667 phiếu, đạt tỉ lệ 85,71%.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng bầu hộ, bầu thay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia có nhận được một số đơn thứ phản ánh về tình trạng này. Qua xử lý thì thấy đúng là có trường hợp do thiếu hiểu biết, có hộ gia đình đã bỏ phiếu thay cho thành viên gia đình đi làm ăn xa, nhưng xét thấy vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng và không làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, nên ủy ban bầu cử địa phương đã có sự nhắc nhở, chấn chỉnh. Duy chỉ có ở một điểm bầu cử tại Kiên Giang, xét thấy vi phạm bầu hộ, bầu thay đã đến mức nghiêm trọng nên Hội đồng đã hủy kết quả và yêu cầu tiến hành bầu lại. Việc bầu lại đã tiến hành trong ngày 5-6.

Về việc có tới 100 Ủy viên BCH Trung ương Đảng trúng cử, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, trong quá trình hiệp thương, tất cả cơ cấu thành phần đã được dự kiến hợp lý. Các đồng chí Ủy viên Trung ương đều đại diện cho các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước, nay được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội sẽ góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Về số lượng ĐBQH, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội quy định bầu không vượt quá 500 ĐB, nên việc bầu được 496 ĐB là đúng luật. “Việc 15 ĐB Trung ương ứng cử ở địa phương không trúng cử cũng là bình thường, đó là quyền lựa chọn của nhân dân. Đương nhiên việc chưa bầu đủ số ĐB có phần ảnh hưởng đến tính đại diện cho mọi giai tầng của Quốc hội, nhưng Hội đồng cho rằng thấy mức độ ảnh hưởng không nhiều”.

Về tỷ lệ tái cử đạt 30%, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhận định, đây là mức bình thường, tương đương với các khóa trước (30-35%); đảm bảo  được chất lượng hoạt động của Quốc hội, đồng thời giúp QH có tính kế thừa, đổi mới.

“Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá, kết quả bầu cử đã bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra; thành phần cơ cấu đại biểu cơ bản phù hợp với dự kiến; tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, trình độ trên đại học cao hơn so với nhiệm kỳ trước...; kỳ vọng sẽ là nền tảng góp phần xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc có đầy đủ năng lực hoạt động với chất lượng, hiệu quả hơn”, ông Phùng Quốc Hiển phát biểu, kết luận cuộc họp báo.

 Khiếu nại liên quan đến người trúng cử sẽ được xem xét, trả lời trong vòng 30 ngày


Ngay sau cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã trả lời phỏng vấn báo chí, giải thích rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử.

Phóng viên: Thưa ông, số ĐBQH khoá XIV không phải là Đảng viên chỉ bằng một nửa so với khoá trước, ông có bình luận gì về điều này? Chất lượng của các ứng cử viên ngoài Đảng như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Danh sách ứng cử có 97 người ngoài Đảng, đã được lựa chọn kỹ lưỡng qua 3 vòng hiệp thương. Tôi cho rằng họ đều phải đảm bảo chất lượng mới được vào danh sách. Nhưng trúng cử hay không là lựa chọn của cử tri.

• Nhiều địa phương bầu thiếu số ĐBQH dự kiến, nhưng chỉ có Cần Thơ tiến hành bầu thêm, tại sao? Ở một số địa phương, số ĐB HĐND bầu thiếu khá lớn có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND?

• Theo Luật thì khi bầu thiếu ĐBQH, căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban Bầu cử địa phương có quyền đề nghị bầu thêm và Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định. Hội đồng chỉ nhận được đề nghị bầu thêm của Cần Thơ và chấp thuận đề nghị này. Sóc Trăng thì có văn bản hỏi ý kiến chứ chưa đề nghị bầu thêm. Cần nói thêm rằng việc bầu thiếu đại biểu không phải là mới, các nhiệm kỳ trước đã có. Quốc hội khoá này thiếu 4 đại biểu, khoá IX thiếu 5, khoá XI thiếu 2, khoá XII thiếu 7... Kỳ này cấp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thiếu 8 trên tổng số gần 4.000 (khoảng 0,2%). Như vậy số thiếu rất nhỏ so với tổng số đại biểu. Ở cấp huyện, xã một số nơi đã tiến hành bầu thêm phù hợp với Luật và việc này cũng bình thường, các khóa trước đã làm.

• Vi phạm trong bầu cử ở Kiên Giang đến mức phải hủy kết quả để bầu lại cụ thể là gì, xử lý thế nào?

• Vi phạm này thuộc loại nghiêm trọng, đó là việc gom phiếu để bầu hộ. Hội đồng đã hủy kết quả và yêu cầu tổ chức bầu lại. Đến nay đã bầu lại xong vào ngày 5-6. Còn việc người nào gây ra sai phạm dẫn đến phải hủy kết quả thì sẽ xử lý theo Bộ luật Hình sự và thuộc thẩm quyền của cơ quan bảo vệ pháp luật.

• Xin ông cho biết về hiệu quả hoạt động của thiết chế mới là Hội đồng Bầu cử quốc gia?

• Như đã thấy, cuộc bầu cử vừa qua đã thành công, với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, việc phải bầu lại, bầu thêm cũng đã được hạn chế. Nhờ có Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia mà việc chỉ đạo triển khai bầu cử được tiến hành nhanh chóng, có tới 104 văn bản hướng dẫn rất chi tiết đã được ban hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương.

• Ông có thể cho biết về tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại về người trúng cử?

• Hôm nay (ngày 9-6), danh sách chính thức được công bố, trong vòng 5 ngày tới, Hội đồng sẽ tiếp nhận đơn thư khiếu nại về người ứng cử. Các khiếu nại này, nếu có, sẽ được xem xét, trả lời trong vòng 30 ngày. Sau khi kết thúc việc xem xét, giải quyết đơn thư (nếu có), Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ ban hành nghị quyết công nhận tư cách ĐBQH. Như vậy, các vị ĐBQH bước vào kỳ họp tới đã được công nhận là đủ tư cách ĐBQH, đây là một điểm khác trước.

• Xin cảm ơn ông.


ANH PHƯƠNG ghi

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục