Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thông suốt tuyến Lạng Sơn - Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc
SGGPO
Dự lễ khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, một trong những dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng yêu cầu trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.
Ngày 30-9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 Dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc Lộ 45 tại xã Hà Long, Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh: VGP
Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc Lộ 45 có chiều dài 63,37 km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Ninh Bình và Thanh Hóa. Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 dự án xây dựng 4 làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT là đơn vị quản lý.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày 30-9-2020 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành GTVT vì chúng ta đã đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000km cao tốc.
Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.
Trong khi đó, lễ khởi công dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết diễn ra tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án có chiều dài 100,8km, giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT là đơn vị quản lý.
Còn lễ khởi công dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây diễn ra tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Dự án đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, có chiều dài 99 km, điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125. Dự án có giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/giờ, mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT là đơn vị quản lý dự án.
Bộ GTVT cho biết, 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022. Các dự án này cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT.
Trước đó, chiều 29-9, Bộ GTVT đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu của 3/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông khởi công ngày 30-9.
Với dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (5 gói thầu xây lắp), các doanh nghiệp trúng thầu thi công gói thầu XL-11 (đoạn Km289+500 - Km301+000) là liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH Định An. Giá trúng thầu của gói thầu này là hơn 852 tỷ đồng.
Tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhà thầu thi công gói thầu XL-01 (đoạn Km134+000 - Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối QL1) là liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập. Liên danh này trúng thầu với giá bỏ thầu hơn 1.687 tỷ đồng.
Với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, tại gói thầu XL-03 (xây dựng đoạn Km47+ 672 - Km83), doanh nghiệp trúng thầu là liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính. Liên danh này thắng thầu với giá bỏ thầu hơn 2.299 tỷ đồng, đây là gói thầu có giá trị lớn nhất trong số 4 gói thầu tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Ngoài 3 gói thầu tại 3 dự án đã lựa chọn được nhà thầu để triển khai thi công, Bộ GTVT đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để hoàn thành công tác lựa chọn các nhà thầu thi công tại 10 gói thầu xây lắp còn lại của 3 dự án trong tháng 10.