Nhiều tiềm năng hợp tác
Tại các buổi hội kiến và chào xã giao, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Chủ tịch Quốc hội Áo Wolfgang Sobotka đánh giá đây là dấu mốc mới trong quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi Áo là đối tác quan trọng, tin cậy ở châu Âu và mong muốn quan hệ 2 bên tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả, toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 2 bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác cả về thương mại và đầu tư, khẳng định Việt Nam không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư và đang tái cơ cấu sâu rộng, là cơ hội cho các doanh nghiệp Áo tham gia kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Áo cho rằng quan hệ kinh tế - thương mại giữa 2 nước còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng; khẳng định các doanh nghiệp Áo rất quan tâm đến thị trường lớn và mới nổi như Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Áo đã dành nguồn tín dụng ưu đãi cho Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển của Việt Nam hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội Áo, Nhóm Nghị sĩ song phương Áo - Nam Á và Đông Nam Á ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Chủ tịch Quốc hội Áo khẳng định, Quốc hội Áo sẽ phối hợp với Chính phủ Áo thúc đẩy hiệp định quan trọng này; nhấn mạnh Quốc hội Áo quan tâm đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Áo xem xét đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên tiếp nhận viện trợ của Áo, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề.
Nắm bắt thời cơ tốt
Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Áo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo. Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp của 2 nước, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ, phát triển hạ tầng, y tế...
Chủ tịch Phòng Thương mại Liên bang Áo, ông Harald Mahrer, đánh giá Việt Nam là nước phát triển nhanh nhất khu vực châu Á và toàn thế giới. Các doanh nghiệp Áo quan tâm đến thị trường Việt Nam với quy mô sẽ tăng lên 100 triệu dân vào những năm tới và dự báo GDP sẽ tăng gấp đôi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp 2 nước Áo và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, đồng thời cho biết, nhiều doanh nghiệp Áo xác nhận đã quyết định mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để nắm lấy thời cơ đầu tư. Hai Thủ tướng Áo và Việt Nam đều đánh giá số lượng doanh nghiệp Áo đang đầu tư tại Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi tiềm năng 2 nước còn rất lớn. Kim ngạch thương mại 2 chiều đạt khoảng 4,5 tỷ USD trong năm nay nhưng vốn đầu tư 2 nước chỉ đạt khoảng 200 triệu USD. Do đó, các doanh nghiệp 2 nước cần tận dụng cơ hội này để xúc tiến đầu tư lẫn nhau.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các cơ quan, doanh nghiệp 2 nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như: năng lượng, tín dụng, công nghiệp chế tạo, thiết bị y tế và đặc biệt là Thỏa thuận hợp tác song phương, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ và vận động triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU giữa Phòng Thương mại Liên bang Áo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thắt chặt hữu nghị
Tối cùng ngày (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Melsbroek, thủ đô Brussels, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 12, thăm và làm việc tại Liên minh châu Âu (EU), thăm chính thức Vương quốc Bỉ theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 16 đến 19-10.
Ngay sau khi tới thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel sau lễ đón tại Cung điện Palais d’Egmont và cùng gặp gỡ báo chí thông báo một số kết quả của cuộc hội đàm.
Thông tin với báo chí, 2 thủ tướng nhấn mạnh cuộc hội đàm thành công tốt đẹp và 2 bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết 2 thủ tướng nhất trí thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa 2 chính phủ, doanh nghiệp 2 nước. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Về hợp tác đa phương, trên cương vị Chủ tịch Nghị viện châu Âu năm 2019, Bỉ cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ giai đoạn 2020 - 2021. Hai nước sẽ cùng nhau hỗ trợ để thúc đẩy hòa bình và an ninh tại biển Đông; cùng lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vi phạm hòa bình, luật pháp quốc tế.
Tại hội đàm, 2 thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, 2 bên nhấn mạnh đến vấn đề phát triển đại học để trao đổi những kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam; khẳng định hợp tác toàn diện, hiệu quả là mục tiêu rất quan trọng trong quan hệ 2 nước. Cùng với đó là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi.
Sau cuộc hội đàm, hai thủ tướng đã chứng kiến các cơ quan, doanh nghiệp 2 nước ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực. Hai thủ tướng cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp 2 nước ký kết 2 văn kiện hợp tác, bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco (chuyên phát triển và vận hành trung tâm logistics thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam) và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ và Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư, phát triển cảng biển giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Rent-A-Port.