Cùng dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, cùng lãnh đạo các bộ ngành. Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở ngành TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo, năm 2020, TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 7.751 tỷ đồng. Đến ngày 15-7-2020, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, với vai trò là một đô thị đặc biệt, TPHCM xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi lẽ nếu TPHCM giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10-2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn; cả năm 2020 đạt trên 95%.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết một số vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố thời kỳ sau dịch Covid-19. Theo đó, đối với dự án tuyến metro số 1, TPHCM kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH-ĐT xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là 3.676,695 tỷ đồng (kế hoạch vốn trung hạn của dự án là 7.500 tỷ đồng, lũy kế giải ngân kế hoạch trung hạn 2016-2020 là 3.823,305 tỷ đồng) để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021. Đối với dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), liên quan thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án. Dự kiến thực hiện giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Hàng loạt dự án vướng thủ tục
Đối với thủ tục thanh toán dự án BT (xây dựng - chuyển giao), TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng quỹ đất tại thời điểm quyết toán dự án BT đảm bảo theo quy định hiện hành và hài hòa lợi ích của các bên trong hợp đồng BT. Bên cạnh đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng giao một cơ quan đầu mối tiếp nhận xử lý và hướng dẫn thành phố trình tự đề xuất Thủ tướng quyết định việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư. TPHCM cũng xin ý kiến Thủ tướng về quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT, bao gồm danh mục quỹ đất dự kiến thanh toán cho các hợp đồng BT hay danh mục quỹ đất dự kiến thanh toán cho từng dự án cụ thể. UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT phối hợp hướng dẫn thực hiện, đồng thời đưa nội dung này vào các nghị định hướng dẫn Luật PPP để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Về dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đối với dự án đường Vành đai 4, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.
TPHCM cũng xin ý kiến của Thủ tướng giao các bộ ngành sớm có hướng dẫn cụ thể công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, bao gồm cả việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết...
Mở ra cơ chế để TPHCM xử lý “gút mắc” các dự án
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa ghi nhận, đánh giá cao TPHCM đã nỗ lực đạt được nhiều thành công trong phòng chống dịch Covid-19, góp phần cùng thành công chung của cả nước. TPHCM cũng quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; cố gắng lớn trong chi trả chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; có chiến lược số hóa, chương trình chuyển đổi số…
Lưu ý chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền thành phố không được để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt, các cấp ngành của thành phố, cần tránh tình trạng trì trệ; nâng cao tính năng động, sáng tạo, quyết liệt, bám công việc, tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết những vấn đề khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng - một khâu yếu thường gặp trong giải ngân vốn đầu tư.
Để giải quyết vấn đề thúc đẩy đầu tư tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại 2 yêu cầu đặt ra: không để thất thoát tài sản nhà nước, không để tình trạng tham ô tham nhũng xảy ra ở các dự án. Với 2 yêu cầu trên, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lưu ý TPHCM làm với tinh thần mạnh dạn hơn, bởi nếu chậm, không đầu tư phát triển, không giải quyết việc làm… thì không phát triển, để lại hậu quả lớn, nhất là trong lúc đang khó khăn bởi Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, nếu không giữ doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp, thì sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng xã hội, vì thất nghiệp gia tăng là nguy cơ trực tiếp với các thành phố lớn. Thủ tướng lưu ý và chỉ đạo TPHCM tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để nhanh chóng phục hồi sản xuất. TPHCM cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các kết luận của Chính phủ, của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các dự án khác. Nếu còn vướng mắc thì báo cáo để xử lý, chứ không để trì trệ, không để mang tiếng vì thanh tra mà làm kinh tế TPHCM chậm phát triển.
Để TPHCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra các nhóm vấn đề TPHCM cần quan tâm. Trong đó, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng, vì TPHCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước. Kích cầu tiêu dùng ở TPHCM góp phần kích cầu cả nước, lan tỏa cả nước. TPHCM cần hướng mạnh mẽ vào dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, tài chính - ngân hàng, chứng khoán, du lịch, bởi dịch vụ chiếm trên 60% GDP của TPHCM. Trong đó, dịch vụ bất động sản cần quan tâm ngắn hạn, dài hạn, cả bất động sản du lịch; phải quy hoạch phát triển hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp để xây dựng nhà ở cho người dân.
Một vấn đề rất quan trọng mà TPHCM cần phải tập trung, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là sự chỉ đạo, điều hành, quyết liệt tháo gỡ các điểm khó khăn. Từ thực tiễn của TPHCM, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM quan tâm 2 điểm. Trong đó, TPHCM cần nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc từng nhóm vấn đề kịp thời hơn; trước hết, TPHCM cần năng động sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giải quyết vướng mắc một cách công khai, minh bạch. “Thường trực Thành ủy xem xét vấn đề trên lợi ích chung, trên nguyên tắc đã nói ở trên thì không có sai phạm, cũng không vì một số sai phạm mà chúng ta chùn bước trong sự phát triển của TPHCM”, Thủ tướng nhấn mạnh. Vấn đề thứ hai, TPHCM cần quan tâm bài học thực tiễn là một việc dù khó khăn đến đâu, nếu có đồng thuận của hệ thống chính trị, có sự tập trung nguồn lực, kiên trì đeo bám, kịp thời xử lý vấn đề bất cập phát sinh, sáng tạo trong giải pháp, thì đều đạt được thành công. Đây chính là phương châm tháo gỡ khó khăn. Muốn thành công thì TPHCM cần phát huy tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn nữa; còn cứ chậm trễ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.
Thủ tướng cho biết, về cơ bản, đoàn công tác đồng ý với các kiến nghị của TPHCM. Thủ tướng yêu cầu các bộ phải trả lời TPHCM trong thời hạn cụ thể, không kéo dài, gây chậm trễ trong giải quyết công việc. “Các bộ ngành cần nhớ nguyên tắc quan trọng: vị trí, vị thế, vai trò của TPHCM với cả nước, và khu vực. Vì vậy, các cấp, các ngành của Trung ương phải tập trung ủng hộ TPHCM phát triển xứng tầm. Không chỉ TPHCM phải đeo bám, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, trách nhiệm, mà các bộ, bộ trưởng phải có trách nhiệm xử lý nhanh cho TPHCM”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng gợi ý TPHCM thúc đẩy hơn việc phát triển kinh tế ban đêm, bởi theo tính toán cứ 4 tiếng đồng hồ, hoạt động này đóng góp 5%-8% GRDP của TPHCM. Một thế mạnh TPHCM cần quan tâm là phát triển kinh tế số, thương mại điện tử - vốn có đà phát triển từ thời điểm phòng chống dịch Covid-19. TPHCM cần chú trọng đặt ra “mục tiêu kép” - là đầu tư công và đầu tư tư nhân, góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng. |