Thiệt hại bằng cả năm thu ngân sách
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, bão số 12 khiến 45 người dân địa phương thiệt mạng, hơn 3.000 căn nhà bị sập hoàn toàn, 12.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Riêng về kinh tế, Khánh Hòa thiệt hại quá nặng nề, trong đó nhiều nhất là nuôi trồng thủy sản. Theo thống kê, đến thời điểm này, bão số 12 gây thiệt hại cho Khánh Hòa gần 15.000 tỷ đồng, tương đương tổng thu ngân sách địa phương hàng năm. Trong khi đó, ngân sách dự phòng địa phương hiện chỉ còn 60 tỷ đồng, rất khó để khắc phục khó khăn. Trước thực trạng này, Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ 1.155 tỷ đồng; cho phép địa phương sử dụng 100% nguồn dự phòng ngân sách từ 2018 - 2020 để khắc phục hậu quả bão 12, đồng thời giảm định mức thu ngân sách xuống 10%. Đối với tỉnh Phú Yên, bão số 12 cũng gây thiệt hại không nhỏ, trong khi đây là tỉnh khó khăn. Hai lĩnh vực thiệt hại nặng nhất tại Phú Yên đó là thủy sản và cao su. Báo cáo ban đầu cho biết, Phú Yên thiệt hại khoảng 3.500 tỷ đồng, bằng ngân sách địa phương thu năm ngoái. Trước khó khăn này, lãnh đạo Phú Yên đề nghị Chính phủ hỗ trợ các khoản theo quy định hiện hành, đồng thời cấp hỗ trợ thêm 500 tấn gạo để cứu đói và bổ sung vốn cho địa phương thực hiện xây dựng kè chắn sóng tại khu vực xóm Rớ, TP Tuy Hòa khoảng 200 tỷ đồng.
Tại buổi họp, bà Võ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, ngân sách quốc gia hiện cũng gặp rất khó khăn, hơn thế, các dự toán thu chi đã được Quốc hội quyết, nên giờ rất khó khăn để thay đổi cơ chế giảm thu như kiến nghị của các địa phương. Liên quan chính sách bảo hiểm cho các doanh nghiệp, tài sản ngư dân mất mát sau bão, bà Mai cho biết, tuần tới Bộ Tài chính sẽ cử đoàn công tác đến các địa phương, phối hợp với lãnh đạo các tỉnh thực hiện ngay các chính sách bảo hiểm, khi đã có báo cáo sơ bộ, bộ sẽ chỉ đạo đơn vị bảo hiểm phải ứng tiền bồi thường hỗ trợ ngay.
Một vấn đề quan trọng không kém đó là những chính sách tài chính cho các cá nhân, doanh nghiệp sau bão. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), do ảnh hưởng nặng nề sau bão, nên bản thân các ngân hàng cũng thiệt hại không nhỏ. Qua nắm bắt sơ bộ, NHNN cho biết sau bão số 12 các ngân hàng tại Khánh Hòa, Phú Yên có đến 28.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dự nợ cho vay khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó Khánh Hòa chiếm hơn 2/3. Sau bão, NHNN đã chủ động về các địa phương nắm bắt tình hình, rà soát lại các khách hàng bị ảnh hưởng để có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới đối với những cá nhân khó khăn. Tính đến thời điểm này các ngân hàng đã thực hiện khoảng trên 1.000 tỷ đồng cho các chính sách nói trên. Tuy nhiên, đại diện NHNN đề nghị Chính phủ có chỉ đạo mở rộng việc khoanh nợ ra những ngành nghề khác, bởi hiện nay việc thực hiện khoanh, giãn nợ chỉ thực hiện cho ngành nông nghiệp.
Tập trung khắc phục hậu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bão số 12 quá mạnh, lại đi đúng vào nơi ít khi có thiên tai nên mức độ thiệt hại quá nặng nề. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia sẻ ân cần đến nhân dân vùng chịu bão lũ thời gian qua. Chia sẻ nhưng nỗi đau mà các gia đình có thân nhân bị thiệt mạng do bão. Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong phòng chống bão, đặc biệt là lực lượng quân đội, cụ thể là lực lượng Quân khu V. Tuy nhiên, sau cơn bão này, chúng ta rút ra bài học, đó là bão sẽ tàn phá bất cứ đâu nó vào. Vì vậy, mọi địa phương phải giáo dục, tập cho toàn dân kỹ năng ứng phó với bão lũ, để mọi người đề cao cảnh giác, có thế mới giảm thiệt hại. “Rút kinh nghiệm sâu sắc trong cơn bão vừa qua, phải không chủ quan, kiên quyết, thậm chí cưỡng chế những người trên lồng bè bởi số lượng người chết như vừa qua là quá lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước những khó khăn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh coi việc khắc phục hậu quả số 12 là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải tập trung xử lý, trên tinh thần bảo vệ đời sống, sản xuất cho dân, đặc biệt là nghề thủy sản - nghề quan trọng tại Khánh Hòa và Phú Yên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng có chương trình hỗ trợ các địa phương bị thiên tai. “Phải huy động các tổ chức đoàn thể tại chỗ, tập trung khắc phục hậu quả cho các gia đình neo đơn, hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhất thiết không để cảnh màn trời chiếu đất, không để cảnh xơ xác, tiêu điều, đi lại, học hành của người dân bị ảnh hưởng lâu hơn nữa. Phải quyết liệt, nếu cần thiết sẽ đề nghị lực lượng quân đội khi có nhu cầu đưa quân vào hỗ trợ dân khắc phục hậu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Riêng với những kiến nghị của địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xắn tay làm ngay, không chỉ báo cáo cho Chính phủ tại đây là xong. Riêng Bộ NN-PTNT, phải bảo đảm con giống, cây trồng cho dân vùng thiên tai để dân tái sản xuất, phục vụ nhu cầu cuộc sống, hàng hóa cuối năm bởi đó là nguồn sống chính của rất nhiều hộ nông dân. Về ngành nghề nuôi thủy sản, thế mạnh của người dân Nam Trung bộ, Thủ tướng yêu cầu ngành thủy sản cần rà soát, kiểm tra lại khu vực, cung cách nuôi, nhất là những hạn chế sau bão gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và rút ra những bài học cho ngành. Riêng những kiến nghị về hỗ trợ tài chính, thu chi ngân sách, Thủ tướng giao Bộ Tài chính báo cáo lên Chính phủ xem xét. Với kiến nghị các địa phương trong việc hỗ trợ vốn xây kè chắn sóng, Thủ tướng đồng ý các kiến nghị, đồng thời giao Bộ TN-MT làm việc với các địa phương và có báo cáo cụ thể, sau đó cân đối nguồn vốn thực hiện. Trước mắt, Chính phủ chi 1.000 tỷ đồng cho 10 tỉnh bị thiên tai bão lũ vừa qua, trong đó hỗ trợ Khánh Hòa 260 tỷ đồng, Phú Yên 170 tỷ đồng.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại, mất mát do bão số 12 gây ra. Tại Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), Thủ tướng đã đi thăm hỏi một số gia đình có người thân bị chết do bão; thăm hỏi và trao quà động viên một số trường học trên địa bàn hai địa phương bị tốc mái, hư hỏng do bão. Riêng tại Vạn Ninh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão, Thủ tướng đã đi thị sát một số vùng trọng điểm nghề nuôi hải sản của ngư dân bị thiệt hại do bão.