Theo báo cáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức gần 17.000 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang triển khai 8 chương trình giám sát với sự tham gia của 15 tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam, cùng 13 bộ, ban, ngành và Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết bức xúc của nhân dân ở một số nơi còn bị động nên để xảy ra điểm nóng.
Bên cạnh đó, vận động trong phong trào thi đua yêu nước chưa quyết liệt, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét ở địa phương, địa bàn dân cư, cho nên các vấn đề về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự xã hội, an toàn giao thông… còn phức tạp. Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp để làm những việc thiết thực cho người dân.
Thủ tướng bày tỏ quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội trong bối cảnh có sự tác động của nhiều yếu tố như mạng xã hội, các thế lực phản động. MTTQ, chính quyền các cấp cần đối thoại ngay với người dân tại địa phương, nhất là những vụ việc kéo dài, đông người, không để đốm lửa nhỏ có thể trở thành đám cháy lớn. Đặc biệt, theo Thủ tướng, vai trò của MTTQ, chính quyền các cấp trong việc củng cố niềm tin của nhân dân rất quan trọng, nên cần gần dân, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Ngoài việc chống tham nhũng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì MTTQ cũng cần có tiếng nói đối với các vấn đề thời sự của đất nước như: thi cử; một số vấn đề đối với trẻ em, từ đuối nước đến dâm ô trẻ em cũng như lên án các hành vi tiêu cực, lệch lạc trong xã hội hay vấn đề giữ gìn văn hóa trong hội nhập quốc tế, vấn đề xã hội hóa nguồn lực”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, MTTQ phải lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, nhất là ở cơ sở. Dân chủ mạnh mẽ nhưng phải giữ vững kỷ cương, phép nước. Phải tổ chức đối thoại để giải quyết các điểm nóng tốt hơn, trên tinh thần trọng dân, gần dân, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát quyền lực nhà nước.
Thủ tướng đề nghị MTTQ có kế hoạch triển khai tốt 8 chương trình giám sát giai đoạn 2016-2020, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và MTTQ phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong phối hợp xây dựng chính sách pháp luật, Thủ tướng nêu rõ 3 nội dung trọng tâm là: điều chỉnh những bất cập hiện nay; phối hợp, chủ động lấy ý kiến của MTTQ tốt hơn; phối hợp đưa luật pháp vào cuộc sống.