Cùng đi có các ông: Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Đinh Tiến Dũng -Bộ trưởng Tài chính; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng LĐTB-XH; Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương; Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban MTTQVN; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Tư lệnh Quân khu 4 và lãnh đạo 5 tỉnh khu vực miền trung.
Tại đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá; gần một tháng qua, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới gây ra hai đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến hơn 1.000mm. Riêng tại Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế mưa hơn 2.500mm và vượt mưa lũ lịch sử năm 1999. Lũ lớn và đặc biệt lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính trong khu vực, trong đó có bốn sông tại Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị và Quảng Bình vượt mức lũ lịch sử gây ngập lụt lớn trên phạm vi rộng.
Lũ lụt đã làm 317.597 hộ với 1.200.916 người bị ngập tại 427 xã của năm tỉnh trong khu vực. Trong đó Quảng Bình là tỉnh ngập nặng nhất với 109.245 hộ, có nơi ngập sâu 2-3m.
Các địa phương đã di dời, so tán 79.570 hộ với 279.625 người ra khỏi khu vực nguy hiểm; Sạt lở đất khu vực miền núi nghiêm trọng, nhất là tại thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm số 67 (Thừa Thiên Huế), khu vực Hướng Hóa; Mưa lũ cũng đã làm 119 người chết, 21 người mất tích, 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng, 1.325 ha lúa và 12.479 ha hoa màu bị hư hại, 16 tuyến quốc lộ và hơn 161km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng…
Nhằm giúp các tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho 5 tỉnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng; xuất cấp 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại.
Các bộ, ngành cũng đã có hỗ trợ kịp thời về lương thực, mì tôm, nước uống… cho các địa phương cứu trợ người dân. Các tỉnh đã huy động và phân bổ cho người dân 78 tấn gạo, 72.725 thùng mì tôm, 7,7 tấn và 2.772 thùng lương khô, 9.996 thùng nước uống, 46,2 tỷ đồng.
5 tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 5.000 tỷ đồng nhằm khắc phục cơ sở hạ tầng và ổn định đời sống cùng đó là đề nghị hỗ trợ 7.500 tấn gạo, 5.000 tấn hạt giống, 30 triệu viên Aquatab, 400 cơ số thuốc cho dân vùng lũ tránh dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã phát biểu làm rõ thêm tình hình cũng như hậu quả của trận mưa lũ lịch sử vừa qua đối với các tỉnh miền Trung; những kinh nghiệm rút ra và các giải pháp lâu dài, hiệu quả ứng phó với mưa lũ cực đoan trong thời gian ngắn, với biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ngành trong công tác phòng chống mưa lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân,
Thủ tướng lưu ý, qua trận lũ lịch sử này, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc để chủ động phương án ứng phó; tăng cường nhận thức sự hiểu biết trong thiên tai, trong đó nhận thức của cộng đồng là quan trọng nhất; cải thiện năng lực dự báo thiên tai; lồng ghép, huy động các hoạt động cứu trợ xã hội, huy động tổng hợp sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, của cộng đồng; các tỉnh cần nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân nhân, bảo đảm sinh kế cho người dân; huy động tinh thần tự cường của người dân và sự hỗ trợ của cộng đồng, các lực lượng để giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn vươn lên, không được để người dân thiếu đói, màn trời chiếu đất.
Trước các thiệt hại của lũ lụt gây ra tại miền Trung, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương phải tính toán lại một số vấn đề phát triển thủy điện an toàn, trồng rừng để phủ xanh đồi trọc, góp phần giảm sạt lở đất; ứng dụng công nghệ thông tin để thông báo, cảnh báo cho người dân về thời tiết, thiên tai.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thiên tai; xem xét sửa đổi các điểm chưa phù hợp trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP về công tác cứu trợ.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, trong giai đoạn này, các địa phương, các ngành sẵn sàng phương án chủ động ứng phó với bão số 8 và có khả năng số 9 sắp tới để không xảy ra thiệt hại hơn nữa đối với nhân dân.
Trước buổi làm việc, ngay khi hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm hỏi động viên các giáo viên trường mầm non xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).
Thăm hỏi đơn vị quân đội của quân khu 4 đang giúp nhà trường dọn dẹp bùn đất sau lũ, tặng tập thể nhà trường 100 triệu đồng.
Tiếp đó Thủ tướng đến thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) thăm hỏi 30 hộ dân tại đây. Nói chuyện với bà con nhân dân địa phương, Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi sức khỏe bà con và chia sẻ với những thiệt hại, mất mát về tính mạng, tài sản của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng của trận lũ lịch sử.
Thủ tướng nói: “Nhiều gia đình trắng tay, thiệt hại của bà con rất lớn. Nhiều xã hiện nay còn bị ngập, nhiều người dân mất nhà cửa, đi lại gặp khó khăn. Nhiều trường học chưa thể mở cửa, môi trường bị đe dọa”.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau và cả sự chia sẻ trong khó khăn của bà con nhân dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình cần tập trung lực lượng, hàng hóa để cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống; tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ bảo đảm hợp lý để vừa đến tay người dân; nhanh chóng khắc phục, giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Trước mắt chủ động các biện pháp ứng phó với báo số 8.
Thủ tướng cunxg đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng quà cho 30 hộ dân bị thiệt hại nặng, mỗi hộ 10 triệu đồng; thăm và tặng quà cho Trường mầm non Hiền Ninh.