Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, nên xác định rõ mô hình mà chúng ta sẽ quyết định trong 5 năm tới là mô hình về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; “kinh tế, môi trường và xã hội” là 3 mục tiêu trong 1 chứ không phải môi trường đi sau. Bản thân môi trường cũng là một ngành kinh tế. Bên cạnh đó, làm rõ nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam; công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển quan trọng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn; Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển như tham gia nhiều FTA, các xu thế chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch công nghệ và chúng ta có thể tạo nên các động lực phát triển mới cho giai đoạn tới như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế…
Bộ NN-PTNT cho rằng cần đánh giá rõ hơn về an ninh lương thực, nông thôn. Năm 2020, nông nghiệp gặp khó khăn kép, về dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, nhưng vẫn sẽ đạt mục tiêu 43,5 triệu tấn lương thực. Cả vùng nông thôn rộng lớn, chiếm 60% diện tích, 65% dân số là nền tảng, dư địa phát triển, ổn định xã hội, là thế mạnh của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu; các nước đều tung ra gói hỗ trợ rất lớn, nới lỏng chính sách tài khóa. Tuy vậy, tình hình kinh tế thế giới vẫn bị tác động nặng nề. Trong bối cảnh đó, tiểu ban rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó, tập trung xin ý kiến các thành viên tiểu ban đối với 2 nội dung: sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, nhất là trước tác động rất nặng nề của Covid-19; các công việc cần tiếp tục triển khai của tiểu ban trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân ta vào cuộc với tinh thần chống dịch Covid-19 như chống giặc, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Tuy vậy, quý 2-2020, chúng ta chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Trong 6 tháng, chỉ tăng trưởng 1,81%. Sau hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, dịch bước vào giai đoạn 2 với ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng vào tháng 7-2020. Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trên tinh thần lo cho sức khỏe người dân là chính, nhưng không để đứt gãy nền kinh tế. Năm nay, chúng ta cố gắng tăng trưởng dương.
Chính phủ, Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án, cơ chế chính sách để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Đồng thời có chiến lược, sách lược, định hướng và giải pháp phục hồi phát triển trong năm 2021 và thời gian tới, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trước một số ý kiến cho rằng phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020, Thủ tướng nhất trí nhấn mạnh, không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Về chủ đề của Chiến lược Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030, tiểu ban thống nhất đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Về đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công để phục vụ công tác xây dựng văn kiện và dự thảo kế hoạch đầu tư công 2021-2025 để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định. Tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công.
Thủ tướng cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới là vấn đề mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của dịch Covid-19. Những xu hướng mới rất nhanh và phức tạp, vừa là cơ hội, vừa là thách thức trên tất cả phương diện, lĩnh vực cạnh tranh ngày càng gay gắt này, cần đề cập trong báo cáo chiến lược 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới.