Nền kinh tế năng động
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Canada về một nền kinh tế Việt Nam năng động, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện và luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có những con số ấn tượng như tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017, thu nhập bình quân theo ngang giá sức mua là 6.800 USD.
Thủ tướng thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá cao về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, nhất là về độ mở nền kinh tế với việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Gần đây là tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada là một trong số các quốc gia thành viên đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế…
Đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada, Thủ tướng thông tin Việt Nam đang tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những lĩnh vực quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada nói chung, thành phố Québec nói riêng tham gia mua cổ phần, trở thành đối tác cổ đông chiến lược.
Gợi mở tiềm năng hợp tác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên tinh thần Tuyên bố chung giữa hai nước, Việt Nam xác định Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được mong đợi và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam.
Về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hàng năm hàng trăm ngàn lao động và đều qua đào tạo ngoại ngữ. Là quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bên cạnh tiếng Anh, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp và một số ngôn ngữ quốc tế khác nhằm mục tiêu tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.