Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và đại diện nhiều bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, hội thảo là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tiến hành tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cùng các văn kiện trình Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước những ý kiến cho rằng các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới, nhưng chưa dám dấn thân sáng tạo hết mình, chưa dám “chạy hết tốc độ” do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách quản lý hoặc trong pháp luật hiện hành, người đứng đầu Bộ Tư pháp nhấn mạnh, có nhiều nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Đó là hoàn thiện hạ tầng pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoàn thiện pháp luật về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, có ưu đãi thuế hợp lý đối với tài năng về công nghệ cao để tránh chảy máu chất xám; Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng; Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân; Xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh.
Theo chương trình nghị sự, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đến từ các doanh nghiệp công nghệ, các bộ quản lý ngành sẽ bàn thảo về những yêu cầu mới trong việc thiết kế, xây dựng chính sách, pháp luật trong điều kiện mới, những vấn đề pháp lý đặt ra khi triển khai mô hình kinh tế chia sẻ, việc xây dựng chính phủ điện tử.
Hội thảo cũng nghe đại diện Tập đoàn Samsung chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ…
Trước đó, vào sáng nay, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia, đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn về 3 nhóm chủ đề quan trọng: Pháp luật dân sự, kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng Chính phủ số và thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp cận công lý và bảo đảm an ninh mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.