Chiều nay 26-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng chủ trì phiên họp đặc biệt của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Tăng cường quyền năng phụ nữ trong thời đại số.
Dự phiên họp có Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Giám đốc Điều hành Ủy ban Kinh tế xã hội Liên Hợp Quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Phiên họp đặc biệt này được kỳ vọng sẽ gợi mở những định hướng quan trọng để phụ nữ ASEAN có thể đóng góp sâu rộng, hiệu quả hơn nữa cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như tham gia tích cực vào các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm trên bình diện toàn cầu.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các nước ASEAN luôn tự hào về những tấm gương phụ nữ đã dũng cảm, hy sinh cống hiến cho hòa bình, độc lập và nỗ lực to lớn cho xây dựng đất nước phồn vinh. Với những đặc thù và thế mạnh riêng, phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... và những ngày qua, là sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn còn đó bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: "Chúng ta cần hành động để giải phóng tiềm năng to lớn của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho các tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay”.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 2% trong số các nhà đàm phán, hòa giải, song lại là nhân tố không thể thiếu trong các tiến trình hợp tác, giúp kiến tạo nền hòa bình và an ninh bền vững hơn. Tỷ lệ phụ nữ hiện đảm nhận cương vị lãnh đạo, quản lý chiếm 40% ở quy mô toàn thế giới và 46% trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 26,7%, cao hơn bình quân châu Á (19,9%) và bình quân toàn thế giới và lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nhân loại và trao cho phụ nữ nhiều quyền năng to lớn, giúp phụ nữ giải phóng được tiềm năng tuyệt vời của mình để vượt qua các rào cản, thách thức hiện tại và tạo ra sự thay đổi cần thiết cho tương lai.
Tuy vậy, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó chính là những nguy cơ đối với nhiều phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp. Cộng đồng ASEAN đã khẳng định mục tiêu xây dựng một cộng đồng “mọi người đều được tiếp cận công bằng với các cơ hội, đồng thời quyền của phụ nữ được thúc đẩy và bảo vệ”.
Tại phiên họp, các đại biểu đã cùng chia sẻ và trao đổi ý kiến về các phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, trong đó có một số trọng tâm.
Đó là tạo điều kiện để phụ nữ tham gia một cách sáng tạo, đổi mới trong tất cả các tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, trên cả 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; thúc đẩy phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực, đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao thượng tôn pháp luật và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó là yêu cầu tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số…
Thống nhất tuyệt đối những vấn đề quan trọng Tại cuộc họp báo có sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội, các nhà báo trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng cho biết, lần họp trực tuyến đầu tiên trong lịch sử 53 năm của ASEAN, các lãnh đạo cao nhất của ASEAN đã “có sự đồng thuận rất lớn, sự thống nhất tuyệt đối trong những vấn đề quan trọng của nội khối”. Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 đã thành công tốt đẹp. Bên cạnh chủ đề chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, lãnh đạo các nước ASEAN đã thảo luận những vấn đề phức tạp gần đây trong khu vực, quốc tế, không né tránh cả những vấn đề nổi cộm. Thủ tướng nhận định: “Những va chạm là không thể tránh khỏi nhưng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ những quy định quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; đặc biệt là khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả”. Trả lời câu hỏi của hãng tin CNA (Singapore) về việc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến phục hồi kinh tế của ASEAN và ASEAN sẽ làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Trung Quốc và Mỹ là các đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển. “Việt Nam rất mong muốn Trung Quốc và Mỹ cùng phát huy điểm tương đồng, vượt qua khác biệt để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của thế giới và khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đại diện hãng thông tấn AP (Mỹ) đặt câu hỏi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trả lời: “Hòa bình, an ninh, ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng là lợi ích chung của cộng đồng, nhất là các nước ASEAN. Vì vậy, vừa qua ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực, đóng góp, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng quy chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông”. Theo Thủ tướng, mặc dù dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các cuộc thảo luận về COC nhưng Việt Nam vẫn cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan, kêu gọi kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng một Biển Đông hòa bình, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải; kêu gọi các bên cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, tuân thủ luật pháp quốc tế. |