Đây là sự kiện quan trọng để nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình “tam nông”. Theo Ban Kinh tế Trung ương, có thể khẳng định Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết 26-NQ/TW) là nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% và tỷ trọng chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá, trái cây… Góp phần tăng trưởng GDP năm 2017 của ngành nông nghiệp đạt 2,66%; quy mô GDP cả ngành năm 2018 tăng gấp 1,25 lần.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng. Trình độ khoa học trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, tạo ra việc làm cho 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.
Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ, coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên qua báo cáo tổng kết cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế lớn cần phải khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020 một số mục tiêu do nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.