Sáng nay 13-11, Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh ASEAN (ASEAN - BIS), diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, đã được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Lãnh đạo ASEAN và đối tác cùng đông đảo doanh nghiệp trong khu vực tham dự.
Hội nghị diễn ra trong cả ngày với 4 phiên gồm: phiên thảo luận về triển vọng kinh tế ASEAN; phiên thảo luận về tương lai định hướng đầu tư ESG vào ASEAN; phiên thảo luận về công nghệ và tương lai việc làm tại ASEAN; và phiên thảo luận về ASEAN tự cường, phát triển bền vững và bao trùm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh đại dịch Covid-19, một số nước thành viên ASEAN trong thời gian vừa qua còn phải liên tục hứng chịu những khắc nghiệt của thiên tai, liên tiếp các cơn bão mạnh, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, gây thương vong cho nhiều người dân, phá hủy nhiều tài sản, công trình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong ASEAN.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, trong khó khăn, càng sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với mục tiêu bao trùm là bảo đảm sức khỏe, đời sống người dân đồng thời tạo thuận lợi, giúp các doanh nghiệp phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ, trải qua hơn 5 thập niên phát triển, ASEAN đã trở thành cộng đồng kinh tế năng động, sáng tạo với hơn 630 triệu dân và tổng GDP là 3.100 tỷ USD (năm 2019), tương đương là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Thành tựu này được xây dựng nhờ những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn của khu vực, đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Cùng với những cơ chế hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, như Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Hội đồng Kinh doanh Đông Á (EABC), các doanh nghiệp trong khu vực đã hợp tác chặt chẽ đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng, thiết thực với nhiều ý tưởng mới, sáng tạo gửi đến Lãnh đạo ASEAN và ASEAN + 3 nhằm đưa ASEAN trở thành một điểm sáng của tăng trưởng, mở rộng liên kết ASEAN với các nước Đông Bắc Á thích ứng trong hoàn cảnh mới, cùng sát cánh bên nhau để vượt qua khó khăn, thử thách.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã có nhiều sáng kiến, cùng các nước ASEAN và đối tác kiểm soát dịch Covid-19, triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể, trong đó có việc tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư để bảo đảm sự hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn.
“Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số; môi trường, xã hội và quản trị (ESG); công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực; phát triển bền vững và bao trùm. Chúng ta cùng nhau nỗ lực thực hiện mục tiêu chung đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển; đồng thời tranh thủ các cơ hội mới do sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, luồng vốn đầu tư toàn cầu hướng vào khu vực ASEAN”, Thủ tướng nhấn mạnh. |
Cùng ngày, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ 2 và Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12 với trọng tâm là tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên để kiểm soát, ứng phó và giảm thiểu tác động từ đại dịch Covid-19; khuyến khích sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và địa phương; gia tăng sự phối hợp, bổ trợ với ASEAN và các khuôn khổ hợp tác Mê Công khác.