Sáng nay 10-8, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Cần Thơ với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”.
Hội nghị thu hút trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: “Cần Thơ đã và đang xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, an toàn, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư”.
Ông Võ Thành Thống thông tin thêm: “Mới đây (ngày 7-8-2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị định số 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ. Nghị định này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ, giúp đỡ vô cùng to lớn mà Trung ương, Chính phủ đã dành cho Cần Thơ; đồng thời cũng tạo nên một tiềm năng to lớn cho sự phát triển của thành phố”.
Đầu tư vào nguồn nhân lực để giải quyết thách thức
Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện của các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước đã đánh giá cao vai trò của Cần Thơ khi hình thành nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu như cảng có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn, cảng hàng không quốc tế, Trường ĐH Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL… tạo điểm nhấn kết nối các địa phương trong vùng.
Song, theo ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng hàng Thế giới tại Việt Nam: “Trong thời gian tới, để hiện thực hóa những lợi ích và giải quyết các thách thức của tương lai, Cần Thơ cần đầu tư vào nguồn nhân lực của mình. Hiện nay, Cần Thơ đang đi đúng hướng với mô hình giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thông qua trường ĐH Cần Thơ, một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước. Nhưng để trở thành một trung tâm dịch vụ, thành phố cũng có thể đề xướng các biện pháp cải cách để tạo ra lực lượng lao động với năng suất cao hơn, được trả lương tốt hơn và có chất lượng hơn, bằng cách: Xây dựng các kỹ năng cần thiết cho những việc làm trong hiện tại và tương lai thông qua cải cách triệt để hệ thống giáo dục và đào tạo; tạo lập và cung cấp thông tin để đưa người lao động đến với công việc phù hợp, đúng người, đúng việc; cung cấp dịch vụ phụ trợ để thúc đẩy quá trình tham gia và dịch chuyển lao động. Đặc biệt Cần Thơ sẽ phải ngày càng thu hút thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) để đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng vật chất; các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao; các ngành công nghiệp xanh; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại hóa chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đặc biệt là gạo và các sản phẩm thuỷ sản”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, cho rằng Cần Thơ vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao hơn, đột phá hơn. Nhu cầu về nhân lực công nghệ cao là nhu cầu đặc biệt lớn trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Đây sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng của Cần Thơ trong những giai đoạn tới vì không chỉ giải quyết bài toán của địa phương, của quốc gia mà trong tương lai rất gần còn là cơ hội giúp Cần Thơ có thể xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và thế giới. Cần Thơ cần khuyến khích mở thêm các chuyên khoa đào tạo CNTT, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học dữ liệu… tại các trường đại học địa phương, mở thêm các trường đại học với xu hướng đào tạo tương tự,… để nhanh chóng nắm giữ lợi thế về nhân lực. FPT cam kết sẽ đồng hành cùng Cần Thơ trong việc đào tạo nguồn nhân lực số.
“Việt Nam đã có những thành phố đáng sống như Đà Nẵng, Hội An… và Cần Thơ cũng có tiềm năng trở thành môt thành phố đáng sống. Đó là thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cần Thơ phải năng động, phải thật sự là đối tác đáng tin cậy, tạo nên chuỗi giá trị liên kết toàn vùng ĐBSCL để các doanh nghiệp tin tưởng, mạnh dạn đầu tư vào thành phố” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: TUẤN QUANG Chiều 10-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại trường Đại học Cần Thơ. Trường Đại học Cần Thơ là 1 trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Trường hiện có 98 chuyên ngành đào tạo đại học với hơn 40.000 sinh viên, trong đó có gần 29.400 sinh viên chính quy. Hiện trường Đại học Cần Thơ được xếp hạng thứ 4 trong các trường đại học tại Việt Nam và đứng thứ 2.609 trường đại học của thế giới. Hiện trường đang phối hợp với Chính phủ Nhật Bản để đầu tư, nâng cấp Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc được quốc tế công nhận. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, với tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA hơn 109 triệu USD. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành tựu, đóng góp to lớn của Đại học Cần Thơ trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, mà đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị nhà trường phải quan tâm, chăm lo cho đời sống của cán bộ, giảng viên thật tốt, để đội ngũ này tập trung vào nghiên cứu khoa học, tiến tới trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến... TUẤN QUANG |