Thủ tướng mong Quốc hội ủng hộ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

2.jpg
Phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 12-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ĐB).

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền

Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Thủ tướng làm rõ giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thời gian tới. “Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế”, ĐB nêu.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định).jpg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Thủ tướng cho rằng, phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã nói nhiều, thực tế chúng ta đã làm. Riêng nhiệm kỳ này đến nay Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở trung ương.

Về các giải pháp, cần rà soát lại quy định của pháp luật, quy định của Đảng, rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, như phải rà lại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.

ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội. ĐB đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới là gì?

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn, chiều 12-11.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ bình bình 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu đã đặt ra vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động, giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Do đó, nếu được chọn những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn 2 điều đó: phân cấp phân quyền và tháo gỡ thể chế.

Tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật để xử lý các dự án tồn đọng

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, tuy nhiên, còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý. ĐB đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới?

Trả lời ĐB, Thủ tướng nêu rõ, có nhiều dự án tồn đọng, kéo dài, thời gian qua, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài cơ bản hoàn tất xin chủ trương của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cái nào vượt thầm quyền thì Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật, “vì hiện trạng đã tồn tại rồi, đã mất mát, đã kỷ luật cán bộ rồi, giờ cái gì vướng thì tháo gỡ để xử lý, có cơ chế, chính sách để xử lý. Trong đó, có 4 ngân hàng chúng ta cũng đang xử lý trên tinh thần giữ an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi người dân, không để tài sản thất thoát".

Phải có những đột phá về hạ tầng

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB, Thủ tướng khẳng định phải bứt phá, phải tăng trưởng, đây là điểm nghẽn phải tháo gỡ trong thời gian tới, muốn như thế, hạ tầng phải phát triển; tập trung cho các động lực tăng trưởng; đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia, tạo ra đột phá cho đất nước. Chủ trương của Đảng, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt là phải có những đột phá về hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện (khởi động lại điện hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi); đường sắt cao tốc… Cùng với đó là đột phá về nhân lực.

Thủ tướng mong Quốc hội ủng hộ cho các dự án lớn trình Quốc hội, cụ thể là trong nhiệm kỳ này chúng ta đang trình đường sắt cao tốc và mở rộng sân bay Long Thành giai đoạn 2.

Về nguồn lực để đầu tư, Thủ tướng dẫn lại câu chuyện đầu nhiệm kỳ chúng ta băn khoăn nhiều về nguồn lực để làm đường cao tốc, nhưng rồi nhờ huy động đa đạng các nguồn lực của Trung ương, địa phương, tăng thu giảm chi, đầu tư không dàn trải (từ 12.000 dự án còn 4.000 dự án…), đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, nhờ đó sau 3 năm chúng ta đã tăng từ 1.000 km đường cao tốc lên 3.000 km vào năm sau.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐB liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh của doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng như việc nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế.

Phải bỏ tư duy không quản được thì cấm

Thủ tướng cho rằng, phát triển xanh, phát triển tuần hoàn là một vấn đề mới, do đó có nhiều phát sinh, do chưa hoàn thiện thể chế, nguồn lực còn thiếu. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về vấn đề này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thêm, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Trong quá trình triển khai cũng nảy sinh một số việc, cái được là cơ bản nhưng cũng còn một số cái cần tiếp tục hoàn thiện, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo. Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng, mở ra không gian phát triển linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp làm ăn. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì không được làm, sai thì phải xử lý.

Về quản lý không gian trên mạng, Thủ tướng nhấn mạnh, trên đời thực quản lý thế nào thì trên không gian mạng quản lý như thế, nhưng phải bỏ tư duy không quản được thì cấm. Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục