Ngày 19-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc, Thủ tướng khẳng định Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức vĩ đại, Người sáng lập và là linh hồn của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"; "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đó là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Theo Thủ tướng, với những thành tích đạt được trong thời gian qua, MTTQ tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà MTTQ các cấp đã đạt được; trân trọng cảm ơn tất cả các tầng lớp nhân dân cả nước đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, hưởng ứng, ủng hộ và nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng của đất nước ta trong những năm qua”, Thủ tướng nhấn mạnh. |
Thủ tướng cũng cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng đã lên nhiều. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục. Những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên biển Đông, đe dọa hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu… là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
Theo Thủ tướng, nhiệm kỳ 2019 – 2024, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, để góp phần vào tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững của đất nước, Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Thủ tướng cũng đề nghị MTTQ làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo. Cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm.
Thủ tướng cũng mong MTTQ tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận.
“Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, lợi ích nhóm, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. |
“Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình”, Thủ tướng phát biểu.
Trước đó, trong sáng 19-9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng 1.300 đại biểu, trong đó có 999 đại biểu chính thức. Đại hội có chủ đề “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”.
Tới dự khai mạc đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tham dự đại hội còn có đông đảo các đồng chí lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, đại diện các địa phương, các tầng lớp nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.
Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực đã lớn mạnh hơn nhiều và đang trên đà chuyển biến tích cực. Xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội đất nước dù có bước phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế, còn những vấn đề nhân dân chưa hài lòng. Diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước. Các thế lực thù địch không ngừng tiến hành các thủ đoạn thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước bối cảnh đó, MTTQ Việt Nam cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức của đất nước để xác định nhiệm vụ trọng tâm, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh của đất nước. Tăng cường sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; tạo sự đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; góp phần tích cực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đọc Báo cáo chính trị của Đại hội, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đã đánh giá cao sự phát triển cùng những đóng góp to lớn của các giai cấp và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, giai cấp công nhân tiếp tục phát triển mạnh về số lượng với khoảng 23,9 triệu người, chiếm trên 24,8% dân số cả nước; giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, với dân số nông thôn khoảng 63 triệu người, chiếm trên 65,5% dân số cả nước; đội ngũ trí thức những năm qua phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng, hiện cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên; đội ngũ công chức, viên chức có hơn 2,4 triệu người, chiếm trên 2,5% dân số cả nước; thanh niên (16 - 30 tuổi) có khoảng 22,6 triệu người, chiếm trên 23,5% dân số cả nước; phụ nữ chiếm trên 50,5% dân số và hơn 48,3% lực lượng lao động xã hội; cựu chiến binh và lực lượng cựu quân nhân có khoảng 4 triệu hội viên, chiếm trên 4,2% dân số cả nước; đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo (hiện có trên 715.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 14 triệu lao động); người cao tuổi với khoảng 10,3 triệu người, chiếm trên 10,7% dân số cả nước; đồng bào các dân tộc thiểu số với hơn 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số; đồng bào tín đồ các tôn giáo với trên 25,3 triệu người, chiếm trên 26,3% dân số cả nước; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 4,5 triệu người sống và làm việc ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, cháy nổ, tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp. Vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong Nhân dân. Các thế lực thù địch luôn âm mưu hoạt động chống phá, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Hầu A Lềnh cũng khẳng định những kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019. Trong đó, nổi bật là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Đại hội đề ra 5 chương trình hành động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024, gồm: Chương trình 1: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chương trình 2: Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Chương trình 3: Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Chương trình 4: Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân. Chương trình 5: Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. |