Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà và các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Tại điểm thi công hầm Núi Vung (tỉnh Ninh Thuận) dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, sau khi thị sát và nghe đơn vị chủ đầu tư báo cáo nhanh các hạng mục thi công hầm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư tuyến cao tốc dài gần 80km bằng hình thức hợp tác công tư.
Theo Thủ tướng, việc hợp tác công - tư chiếm 60% vốn nhà nước và huy động vốn các nhà đầu tư khác 40%. Qua đây thấy rằng, nếu như áp dụng Luật Đầu tư bây giờ, rõ ràng dự án này chưa thực hiện được, như vậy sẽ bỏ lỡ mất 40% vốn từ các nhà đầu tư.
Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu để sửa luật PPP, để Nhà nước có thể huy động được tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài, không phải là vốn nhà nước. Về hợp tác công tư, việc tìm nguồn vốn thế nào để hợp pháp, huy động ra sao để có hiệu quả, vừa qua Chính phủ đã giải quyết được vấn đề đa dạng hóa nguồn vốn.
Thực tế dự án này, nhà đầu tư đã huy động vốn bằng nhiều hình thức như kênh chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ký hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các dự án còn lại chưa đa dạng hóa nguồn vốn nên gặp khó khăn.
Việc tổ chức quản trị thi công khoa học, đúng luật pháp, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, việc này phải phối hợp với địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư, đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phối hợp cùng địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Điều quan trọng là chất lượng công trình, vì vậy các đơn vị giám sát, tư vấn, các nhà đầu tư hợp tác chặt chẽ mọi việc, từ tổ chức thi công hay tổ chức quản trị dự án, giải phóng mặt bằng cho đến khâu triển khai dự án thật chặt chẽ. Về hợp đồng, cần phải sòng phẳng, làm tốt thì thưởng, không tốt thì phạt cả hai phía chủ đầu tư và chủ quản đầu tư.
Việc này, Thủ tướng giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư xây dựng Nghị định thưởng phạt, trong đó, cụ thể hóa nguồn vốn, khó khăn, vướng mắc…). Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phấn đấu hoàn thành dự án trước 6 tháng thay vì 3 tháng như kế hoạch của nhà đầu tư.
Theo tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư), dự án đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Núi Vung (tỉnh Ninh Thuận) là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, Đèo Cả và hầm Cù Mông. Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận, là một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức PPP.
Trước đó, tại điểm thi công hầm Dốc Sạn thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên, tặng quà đội ngũ cán bộ, công nhân đang làm việc xuyên tết.
Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao nhà đầu tư đã lựa chọn hình thức PPP cho dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thời gian qua; đồng thời cùng với nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, địa phương triển khai công việc xuyên tết với tinh thần tiến công.
Ghi nhận, đánh giá cao việc nhà đầu tư quyết tâm hoàn thành dự án trước 2 tháng so với tiến độ, Thủ tướng đề nghị tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành dự án trước 4 tháng. Cũng tại đây, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ đã giải quyết ngay 4 đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế…
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài, bởi nếu áp dụng theo luật hiện nay thì dự án này đã không thực hiện được hợp tác công tư. Tức là bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư.
Đoạn Nha Trang - Cam Lâm là dự án PPP theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2014 của Quốc hội. Dự án triển khai thực hiện từ ngày 4-9-2021, kế hoạch hoàn thành quý III-2023.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 2.046,5 tỷ đồng với ngân hàng và góp 514 tỷ đồng/511 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Lũy kế giá trị sản lượng thực hiện đến nay đạt 16,35% tổng giá trị các hợp đồng, bám sát kế hoạch theo tổng giá trị các hợp đồng. Giá trị sản lượng thực hiện trong tháng 1-2022 (tính đến ngày 28-1-2022) là 40 tỷ đồng, đạt 0,92% tổng giá trị các hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch tháng 1-2022.