Ngày 21-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các bộ ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu..
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường báo cáo cho hay, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong những năm qua tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Năm 2019 xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỷ USD.
Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.
Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình khá của thế giới. Một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra.
Nhiều ngành hàng trong lĩnh vực chế biến nông sản đã hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn: phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ (ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm).
Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như rau quả, thịt (số lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng); mía đường, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản (gây tổn thất sau thu hoạch).
Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Cùng với đó, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%), sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%.. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp kể từ năm 2012 đến nay chỉ tăng khoảng 1%/năm...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 70% máy móc phục vụ nông nghiệp, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Cần tập trung vào khâu bảo quản sau thu hoạch, hiện đang là khâu rất thiếu và yếu. Do đó, bắt buộc Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những hạn chế, yếu kém của lĩnh vực này đã được chỉ ra và thấy rõ một vấn đề: chính sách nhiều rồi nhưng chưa tập trung.
“Lần này sẽ phải chỉ ra được những chính sách tập trung, những chính sách mang tính chất là quả đấm thép của nhà nước để làm thật tốt 2 lĩnh vực này. Gần đây đã xuất hiện một số doanh nghiệp phát triển rất tốt công nghệ chế biến nông sản, định hướng thị trường rõ ràng, vì thế phát triển thành công, tại sao các doanh nghiệp khác vẫn lúng túng? Do đó, chính sách nào để tháo gỡ khó khăn sau hội nghị này phải chỉ ra thật rõ để hành động, không để tình trạng như hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu phải thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề then chốt nhất, từ đó tháo gỡ khó khăn, những điểm nghẽn cho chế biến, nhất là chế biến sâu, cho cơ khí hóa khi mà hiện nay, số lao động nông nghiệp còn đông, chủ yếu làm thủ công, mức độ cơ giới hóa còn thấp nên năng suất thấp.
Thủ tướng cũng cho rằng xuất khẩu nông sản rất quan trọng, nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng mà nếu ta không quan tâm, không lo thị trường trong nước thì sẽ có lỗi với dân, đừng để khi có tình hình phức tạp là thị trường trong nước lại “nháo nhào”.
Song song đó, với việc Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường 20.000 tỷ USD có yêu cầu cao, cần thảo luận kỹ vấn đề thị trường đối với xuất khẩu nông sản..