Theo đó, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm, khảo sát Khu đô thị giáo dục - công nghệ FPT City (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đến nay, Tập đoàn FPT có khoảng 50.000 nhân viên trên toàn cầu, doanh thu 78.000 tỷ đồng, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 800 triệu USD.
Với TP Đà Nẵng, FPT đóng góp 1/5 doanh thu lĩnh vực công nghệ - thông tin của TP Đà Nẵng, nộp ngân sách hơn 515 tỷ đồng (năm 2021). Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT đạt cột mốc tăng trưởng cao, trung bình trên 20%/năm. Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện đô thị giáo dục - công nghệ để đạt 10.000 lập trình viên vào năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng rất quan tâm tạo điều kiện cho FPT, như giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, dự kiến đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách của khu công nghệ thông tin tập trung dành cho FPT.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao kết quả và đóng góp của FPT cho nền công nghiệp phần mềm, công tác đào tạo nhân lực của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng. FPT đã có những bước tiến dài so với chính mình nhưng nếu so với các tập đoàn khác trên thế giới và Việt Nam thì FPT phải phát triển hơn nữa.
Thủ tướng mong muốn FPT đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, góp phần triển khai cuộc CMCN 4.0 phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong đó, tiếp tục thực hiện chiến lược đào tạo gắn với sản xuất; tạo thêm việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. FPT cần tham gia tích cực hơn vào bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh như đào tạo, tạo việc làm cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam...
Thủ tướng nhấn mạnh mọi vấn đề phải "xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", đề nghị FPT và các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài chính sách chung, có thể có chính sách đặc thù phù hợp để tạo sự phát triển mũi nhọn cho các ngành nghề, đóng góp vào lợi ích chung.
Tiếp đó, Thủ tướng tới thăm, khảo sát nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Hoa Kỳ đầu tư với tổng số vốn là 170 triệu USD tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Nhà máy có diện tích 16,7ha, được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Hệ thống quản lý an toàn quốc tế. Các sản phẩm sản xuất tại Nhà máy được xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Malaysia và Bắc Mỹ.
Tại cảng Liên Chiểu, Thủ tướng đã khảo sát quy hoạch tổng thể của cảng và kết nối giao thông liên vùng giữa TP Đà Nẵng và khu vực. Cảng biển Liên Chiểu là 1 trong 7 dự án trọng điểm đang được TP Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, với 2 hợp phần. Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng lưu ý cần dự báo, tính toán số liệu tương lai để làm công trình hiện tại, không phải đếm số liệu hiện tại để làm công trình tương lai. Thủ tướng yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý, sử dụng cảng...; hoàn thành dự án dứt điểm theo tiến độ.
Tại khu công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, khảo sát dự án này gồm 3 khối toà nhà văn phòng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 71.000m2 với mục đích thu hút các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các công ty Fintech trong nước và quốc tế đặt trụ sở. Dự kiến công trình này sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số.
Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, thi công “3 ca, 4 kíp”, hoàn thiện cảnh quan, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần cùng TP và cả nước phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững.