
Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến đầu năm 2025, thế giới có 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Bộ chỉ số FTA Index 2024 được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung khảo sát tập trung vào 4 khía cạnh chính: mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA; việc triển khai các cam kết phát triển bền vững tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.

FTA Index là điểm số tổng hợp của 4 chỉ số thành phần theo thang điểm 10 và tổng hợp thành thang điểm 40.
Kết quả cho thấy, tỉnh có điểm số tổng hợp cao nhất là 34,9 điểm, trong khi tỉnh có điểm số thấp nhất chỉ đạt 14,49 điểm. Giá trị trung bình của điểm số tổng hợp là 26,2 điểm và giá trị trung vị là 20,4 điểm.
Kết quả khảo sát cho thấy sở công thương là kênh phổ biến thông tin về FTA chủ yếu tại các địa phương, được lựa chọn bởi phần lớn doanh nghiệp (59,3%).
Hình thức phổ biến thông tin được doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất là báo chí, truyền hình (64,5%) và website (51,1%). Các hội nghị, hội thảo (44%) và đào tạo, tập huấn (31,5%) cũng được đánh giá là những kênh truyền thông hiệu quả. Trong khi đó, hình thức ấn phẩm bản in chỉ chiếm tỷ lệ thấp (7,2%), cho thấy xu hướng số hóa thông tin ngày càng phổ biến hơn trong tiếp cận thông tin FTA.
Về tình hình nắm bắt các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của doanh nghiệp, đối với các quy định về biểu thuế ưu đãi đặc biệt theo các FTA, có 30% doanh nghiệp đã hiểu rõ nhưng chưa bị tác động, 23,9% doanh nghiệp hiểu rõ và bị tác động, 21,1% doanh nghiệp mới chỉ nghe nói, 16,6% doanh nghiệp chưa hiểu rõ và 8,5% doanh nghiệp không biết về các văn bản.
Tại sự kiện, Thủ tướng đã trao bằng khen cho 5 tỉnh, thành đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các FTA Index năm 2024 gồm: Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Dương, TPHCM, Hải Phòng.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thông qua các FTA - chính là một cánh cửa quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. 17 FTA đã ký kết với trên 60 nền kinh tế hàng đầu thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Việc triển khai và thực thi hiệu quả các FTA không chỉ là để thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, đó còn là động lực thúc đẩy cải cách trong nước, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới với đối tác tiềm năng. Thủ tướng cũng nêu, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng nhưng không phải là duy nhất, còn những động lực quan trọng khác cần mở rộng và thúc đẩy; 17 FTA đã ký kết là quan trọng nhưng Việt Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào những thị trường này mà còn phải mở rộng sang các thị trường khác còn rất nhiều tiềm năng.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và thuận lợi, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, sạch, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...
“Chúng ta tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các đối tác. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chúng ta không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng và không làm tổn thương ai; tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại", Thủ tướng nhấn mạnh.