Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành cùng 100 đồng chí tham gia đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 6-2-2023 đã xảy ra trận động đất với cường độ lên tới 7,8 độ richter, lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng chục nghìn công trình bị phá hủy và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Với tình cảm chân thành, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về những mất mát, thiệt hại to lớn về người và tài sản trong thảm họa động đất này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tuyên dương đoàn cứu nạn, cứu hộ tham gia làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta: Việt Nam là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với truyền thống, đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta; được sự đề xuất kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Việt Nam đã nhanh chóng quyết định cử đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng gồm các thành viên được tuyển chọn kỹ lưỡng có sức khỏe tốt, được đào tạo bài bản, có năng lực, kinh nghiệm, kỷ luật tốt cùng các trang thiết bị hiện đại sang giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn (gồm 100 đồng chí, trong đó có 76 đồng chí của Bộ Quốc phòng và 24 đồng chí của Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở bên ngoài lãnh thổ. Suốt quá trình tham gia cứu trợ, hỗ trợ nhân đạo thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, tập thể lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã quan tâm sâu sát, thường xuyên cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời trong tổ chức triển khai, hiệp đồng tác chiến.
Các đồng chí trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Việc đưa lực lượng của quân đội, công an tham gia cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện tầm vóc, vị thế của đất nước ta, tinh thần Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm.
Tại lễ tuyên dương, các đồng chí trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ về những khó khăn, thử thách phải đối mặt, vượt qua trong quá trình làm nhiệm vụ; cũng như kết quả, thành tích và kỷ niệm sâu sắc của đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó là những bài học kinh nghiệm rút ra trong việc hỗ trợ nhân đạo quốc tế, cũng như công tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong nước; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đã chủ động tham mưu Chính phủ trong xử lý các vấn đề quốc tế; tổ chức bảo đảm cho lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường, dẫn đến nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ là rất lớn với yêu cầu ngày càng cao. Thủ tướng yêu cầu, cần xác định công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa thiên tai đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đối với công tác này là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành khác có liên quan khẩn trương tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là đối với công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Các đồng chí trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thủ tướng yêu cầu chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không để bị động, bất ngờ.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng thực hiện công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để xử lý những tình huống, sự cố, tai nạn, thảm họa phức tạp và làm nhiệm vụ quốc tế.