Ngày 3-5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiến hành họp phiên thường kỳ tháng 4-2018.
Tại phiên họp này, Chính phủ tiến hành đánh giá tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018; công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV; kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 và tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018 và một số nội dung khác.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,80% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển, tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 29%. Cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn so với cùng kỳ…
Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet…
Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, hành động của Chính phủ, của bộ, ngành được xã hội đánh giá cao, đồng tình. Đây là điều kiện quan trọng tạo nên không khí mới trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu ra hàng loạt tồn tại, bất cập, cũng như các vấn đề cấp thiết mà các bộ cần tập trung xử lý, giải quyết. Trong đó, Thủ tướng lưu ý CPI tăng thấp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ; giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước còn thấp.
Chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp của Việt Nam còn thấp (đứng thứ 123/190), rời thị trường cũng gặp khó khăn, đặc biệt xử lý vấn đề phá sản doanh nghiệp (đứng thứ 129).
Hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, giải thể còn lớn. Có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Thủ tướng cho rằng còn một số mặt hạn chế, đặc biệt có nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, ứng xử bạo lực với thầy thuốc, nhà giáo, học sinh… Quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng còn bất cập như sự việc “Hội thánh Đức Chúa trời” tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết.
“Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có báo cáo tôi một địa phương đã lên Sở Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch mà đi 33 lần. Cho nên người ta có nói câu trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa thì lạnh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được.
Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ phải xem lại việc có những doanh nghiệp bị kiểm tra đi, kiểm tra lại nhiều lần, chồng chéo kiểm tra.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Chính phủ quyết liệt, đồng bộ, để làm sao “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, “cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, đừng để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh”.