Sáng 6-9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TPHCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ ngành.
Những khó khăn, thách thức đối với TPHCM hiện nay và sắp tới
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Đề án cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM thể hiện tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nguồn thu quốc gia… Đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của miền Nam và cả nước với nhiều trường đại học lớn.
Theo Thủ tướng, những kết quả của TPHCM đã được Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn. Nhưng tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp các khó khăn, thách thức mà nếu không có chỉ đạo mới, cách làm tốt, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho thành phố thì sự dừng lại của thành phố có thể diễn ra. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới các cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM cần đặt ra.
Hội nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TPHCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM là để tiếp tục thảo luận một số cơ chế cho TPHCM, tạo điều kiện cho thành phố phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo chung là phát huy thế mạnh, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Đồng thời bảo đảm sự phát triển hài hòa, kết nối hiệu quả với các vùng, địa phương trong cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho TPHCM phát triển.
Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta xác định chia sẻ khó khăn chung của đất nước, dựa trên cơ sở nguyên tắc công bằng vì thành phố là nơi có trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế, hoạt động không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn ở các địa phương khác. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn đối với thành phố, phải có định hướng, mục tiêu, yêu cầu trung và dài hạn ít nhất đến năm 2025, tầm nhìn 2035 như thế nào trong sự phát triển. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, nhất quán, lâu dài với sự phát triển thành phố.
TPHCM đề xuất cơ chế chính sách đặc thù với 4 vấn đề chính
Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TPHCM để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TPHCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TPHCM không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế của thành phố mà trong điều kiện chung đó, thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.
Hướng đến một thành phố toàn cầu, thành phố thông minh
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TPHCM có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 16 trong 5 năm qua, đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của TPHCM cùng với cơ chế, chính sách của Trung ương thì TPHCM gặp khó khăn.
Khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt tụt hậu. Từ nguy cơ này, đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù cho TPHCM, trong khi TPHCM đang trên chặng đường hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16 đưa ra.
Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong điều kiện nguồn lực Nhà nước hạn hẹp.
Phát triển lĩnh vực xã hội tương xứng với kinh tế, trong đó vấn đề lớn nhất là tập trung đào tạo nguồn nhân lực.
* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở. Do đó, quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3 - 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính. Vị trí đầu tàu kinh tế đòi hỏi TPHCM tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.
Có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của TPHCM chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt. Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM, nếu không tốc độ phát triển của TPHCM sẽ chậm lại. TPHCM nên tập trung làm một số đề án như đề án đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại TPHCM, phát triển công nghiệp văn hóa, đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ...
* Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: TPHCM cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Cần thiết phải phân cấp mạnh cho TPHCM, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.