Sáng nay 23-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Nhiều bộ ngành, địa phương trên cả nước và đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu đã tham gia hội nghị quan trọng này.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8%).
Tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Nếu như năm 2000 tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017 tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 50%.
Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ, sợi, dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).
Nhóm hàng nông sản, thủy sản có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%,...
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập được thực hiện có hiệu quả. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 31,1%, thị trường ASEAN tăng 24,3%, thị trường Nhật Bản tăng 14,2%... Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… đều được giữ vững, hoặc thậm chí có mức tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%.
Năm 2018, xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng. Nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng tiếp tục có thuận lợi từ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nội dung quan trọng cần bàn bạc, thảo luận là nêu ra những khó khăn, rào cản trong xuất khẩu để cùng Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Đánh giá cao thành tích lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cả nước vượt con số 200 tỷ USD, có nhiều sản phẩm đóng góp kim ngạch trên 1 tỷ USD, Thủ tướng cho biết rất ấn tượng với các thành tích xuất khẩu trong công nghiệp chế tạo và nông nghiệp.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản trong xuất khẩu như khó khăn về thương mại xuất khẩu toàn cầu do căng thẳng ở nhiều khu vực, nguy cơ một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra. Trong khi đó xu hướng bảo hộ đang nổi dậy, các nước đang nâng tiêu chuẩn về nhập khẩu nông sản thực phẩm ngày càng khắt khe hơn.
Vì vậy, giải pháp để ra là phải đa dạng hoá sản phẩm và thị trường xuất khẩu đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Nếu đẩy mạnh sản xuất mà không quản được khâu “đầu vào” và chất lượng thì khó mà xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng sản xuất chưa gắn với thị trường, có sản phẩm trước tốt sau xấu, gây ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của sản phẩm hàng hoá Việt Nam.
Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn, đó là: Làm sao để tăng giá trị gia tăng cho hàng hoá, sản phẩm xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp xuất khẩu có thể nắm bắt được thông tin thị trường xuất khẩu và các rủi ro? Các bộ ngành thực hiện chiến lược xuất khẩu, phát triển thị trường như thế nào?Thực hiện các hiệp định về thương mại ra sao? Đặc biệt là các doanh nghiệp có sáng kiến gì để tháo gỡ các rào cản trong xuất khẩu?
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp mạnh dạn bày tỏ về những khó khăn đang cản trở hoạt động xuất khẩu, vì có quy định này, thủ tục kia nên doanh nghiệp không xuất khẩu được. Nếu không có điều kiện để đóng góp tại hội nghị thì có thể viết thư cho Thủ tướng.
Thủ tướng cũng cho biết sắp tới sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xuất nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay.