Theo Quyết định số 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BCĐ, BCĐ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của BCĐ, giúp Trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; điều hòa, phối hợp, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII đến khóa XV; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của BCĐ và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao.
Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ đã nghe báo cáo tờ trình dự thảo kế hoạch xây dựng Đề án tổng kết và tờ trình dự thảo Đề cương sơ bộ Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV).
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương... vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Việc tổng kết cơ cấu tổ chức của Chính phủ qua các nhiệm kỳ là cơ sở lý luận, thực tiễn quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ trải qua 4 nhiệm kỳ Chính phủ với nhiều nội dung phức tạp liên quan đến rà soát, điều chỉnh, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp, kiện toàn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua nhiều nhiệm kỳ, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo thống nhất của BCĐ và sự vào cuộc của các bộ, ngành.