Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 15-4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị với các Chủ tịch, Tổng giám đốc của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (DNNN), nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện 68 DNNN hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng chủ trì hội nghị doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng chủ trì hội nghị doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng

Doanh nghiệp nhà nước phải là lực lượng tiên phong

Đây là cuộc làm việc thứ hai với khối DNNN trong thời gian ngắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ tới vai trò của DNNN trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; các nguy cơ từ chiến tranh thương mại ngày càng rõ rệt.

Chính phủ đã đặt mục tiêu không chỉ vượt qua khó khăn mà còn phải làm tốt hơn, thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm nay, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

2.jpg
Thủ tướng lưu ý, các DNNN phải phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa; cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chỉ trong thời gian ngắn nhưng tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh tới chúng ta.

Thủ tướng cho rằng, những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây. Do đó, càng khó khăn, thách thức thì toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội càng phải nỗ lực, trong đó có các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN khi chúng ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo và điều này là có cơ sở với nguồn nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Bên cạnh đó, đất nước ta có nguồn lao động trẻ, dồi dào, vị trí địa lý chiến lược, nhiều tài nguyên chưa được khai thác, truyền thống văn hóa - lịch sử phong phú, hào hùng.

Thủ tướng cũng cho biết, nhiều chuyên gia, học giả đều khẳng định, con người vẫn là quan trọng nhất; trong DNNN, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất.

Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng lấy ví dụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần tích cực hơn nữa trong triển khai sân bay Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tích cực hơn nữa trong xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Thủ tướng cũng lưu ý, với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần yêu nước, tiên phong gương mẫu, các DNNN phải phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa; cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá.

Doanh nghiệp nhà nước: nguồn lực lớn nhưng cần phát huy hiệu quả hơn

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, cả nước có 671 DNNN, trong đó 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước trên 50%. Tổng tài sản của các DNNN hiện đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2023); vốn chủ sở hữu gần 3 triệu tỷ đồng (tăng 61%). Tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng (tăng 24%), lợi nhuận trước thuế đạt 227.500 tỷ đồng (tăng 8%) và nộp ngân sách nhà nước gần 400.000 tỷ đồng (tăng 9%).

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho rằng, hiệu quả hoạt động của DNNN hiện vẫn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo còn chậm, quản trị doanh nghiệp, năng lực công nghệ lõi chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, các DNNN cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cho chuyển đổi số, có tiến độ cụ thể, đồng thời tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công nghệ nền tảng và giải pháp số như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ mới, dịch vụ mới như 5G, công nghiệp công nghệ cao, mở rộng hạ tầng công nghiệp, và tiếp tục triển khai các dự án xây dựng cơ bản lớn mang tính chiến lược. Phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm khu vực và quốc tế, nâng tỷ lệ doanh nghiệp số lên tương đương các nước phát triển.

Tin cùng chuyên mục