Sáng 24-7, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hội nghị toàn quốc về “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” đã được Bộ Tài chính tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, kết quả của hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam theo các Nghị quyết số 19/NQ-CP về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch hành động và triển khai nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị, chính thức triển khai từ tháng 11-2014, tới nay đã có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển quốc tế, từ ngày 15-11-2017, cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Đến ngày 15-7-2018, 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp đã được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Kết quả, đến ngày 15-7-2018, tổng số C/O Việt Nam gửi - nhận với 4 nước nêu trên là hơn 48.000 C/O.
Hiện nay, các nước ASEAN đang tiếp tục triển khai để trao đổi các chứng từ điện tử khác như: tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch.
Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính. Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng.