Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản

Sáng 13-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản, thủy sản. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị này được tổ chức tiếp nối nhiều hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì thời gian qua nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao trên 10 tỷ USD, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...

Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý 1 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%. Số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả, thành tựu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, lâm sản, thủy sản đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước năm 2022, nổi bật là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thủ tướng cho rằng cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp.

Về nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ (trên 20%) và thủy sản, đối mặt với nguy cơ điều tra nguồn gốc nguyên liệu và các biện pháp phòng vệ thương mại. Giống vẫn là khâu yếu đối với tất cả các lĩnh vực trong nông nghiệp. Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy phải làm gì để chủ động cung cấp nguồn giống tôm, cây trồng có chất lượng cao, giá thành hợp lý? Đối với nguyên liệu chế biến gỗ, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn?

Về thị trường, Thủ tướng yêu cầu trả lời câu hỏi làm gì để tận dụng được cơ hội, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTTP, EVFRT, RCEP…; khắc phục các vướng mắc, rào cản của các thị trường nhất là EU, Mỹ và Trung Quốc. Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp cần làm gì để tận dụng tiềm năng của thị trường nội địa với 100 triệu dân; đa dạng hóa sản phẩm, công tác quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cần phải triển khai như thế nào cho hiệu quả…

Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ, nhận diện một cách đầy đủ, chính xác, khách quan các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản, nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như: khó khăn, vướng mắc gì, ở khâu nào; cần tháo gỡ gì về cơ chế chính sách, về tiếp cận vốn, thị trường…

Tin cùng chuyên mục