Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Tháng Công nhân là dịp tuyên truyền sâu rộng vai trò, sứ mệnh và tiếp tục phát huy, khẳng định vị trí lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” là dịp để công nhân, viên chức, công chức, cán bộ công đoàn và các doanh nghiệp ở các vị trí khác nhau cùng trao đổi, bàn thảo, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn.
Chia sẻ tham luận, anh Mai Thiên Ân, đoàn viên công đoàn cơ sở thuộc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (có trụ trở tại TPHCM) cho rằng, rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Người lao động muốn nâng cao thu nhập phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu. Theo anh Thiên Ân, một số vấn đề thường gặp như: không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như: đi trễ, về sớm; nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định; có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém, làm việc nhóm không hiệu quả…
“Thêm nữa, nhiều người không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác”- anh Mai Thiên Ân phản ánh.
Còn TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Dự báo và phân tích kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, năng suất lao động quốc gia là thước đo hoạt động kinh tế của quốc gia. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2022 là 20.400 USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 35,4% của Malaysia, bằng 64,8% của Thái Lan và bằng 79% của Indonesia…
“Nhìn vào con số này thì năng suất lao động của Việt Nam còn thấp”, TS Nguyễn Tú Anh đánh giá. Nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu kinh tế Việt Nam thì phần lớn người lao động Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% nhưng lại tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế.
Với số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế và năng suất lao động của người lao động trong khu vực này năm 2022 là 53.582 USD/lao động, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng, như vậy là năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp của chúng ta bằng khoảng 30% so với năng suất lao động của Singapore, chứ không phải bằng 11,4% như số liệu của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù vậy, TS Nguyễn Tú Anh cũng khẳng định, năng suất của chúng ta so với các nước là khá thấp.
Để nâng cao năng suất lao động, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh và nên tập trung vào ngành chế biến, chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy năng suất lao động cả nền kinh tế; hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn, những "sếu đầu đàn" để dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như: ngành sản xuất ôtô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, năng suất lao động được đo bằng giá trị gia tăng được tạo ra (trong một năm) của mỗi người lao động. Tăng năng suất lao động được tính bằng mức tăng giá trị gia tăng được tạo ra trên mỗi lao động qua thời gian, thường được thể hiện dưới dạng phần trăm tăng trưởng. Ở cấp độ quốc gia, cách đo lường năng suất lao động phổ biến nhất là lấy tổng giá trị gia tăng được tạo ra chia cho tổng số việc làm.