Chiều 7-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp dự và cho ý kiến tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành nhằm quán triệt một số nhiệm vụ, biện pháp đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lan rộng ra 15 tỉnh, thành phố.
Buông lỏng quản lý người nhập cảnh
Báo cáo tại cuộc họp, qua truy vết và phân tích nguồn lây, Ban Chỉ đạo quốc gia xác định ổ dịch Hà Nam liên quan đến bệnh nhân thứ 2.899; ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc liên quan đến nhóm chuyên gia Ấn Độ và Trung Quốc; ổ dịch tại Bệnh viện K lây lan từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và một số ca bệnh ở Đà Nẵng, Hải Dương không rõ nguồn lây. Điều đó cho thấy, trong cộng đồng đã có mầm bệnh.
Trong các nguyên nhân dẫn đến đợt dịch thứ 4 bùng phát, có tình trạng quản lý người nhập cảnh không tốt, đặc biệt là đối tượng chuyên gia. Trong quý 1, có gần 20.000 chuyên gia và lao động nước ngoài nhập cảnh, phần lớn được cách ly ở khách sạn, nhưng cả quá trình cách ly tập trung và quá trình theo dõi y tế tại doanh nghiệp đều bị buông lỏng.
Thực tế trong công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua cũng nổi lên việc kiểm tra, giám sát, cách ly tại nhà ở nhiều địa phương bị buông lỏng. Trong khi tình trạng nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, virus biến chủng từ Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh. Từ ổ dịch tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, các bệnh viện phải mở rộng tầm soát những khu vực có nguy cơ cao như khoa khám bệnh, cấp cứu, thận nhân tạo. Bệnh nhân và nhân viên y tế cần được lấy mẫu xác suất và định kỳ để xét nghiệm, sớm phát hiện những trường hợp dương tính.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, đợt dịch lần này phức tạp, có nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, nhiều biến chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được. Các địa phương phải đặt trong trạng thái không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Cũng theo Bộ trưởng, nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương cao hơn rất nhiều so với các địa phương, bởi đây là nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh, thành đổ về. Bộ Y tế đã có công điện về hạn chế người đến khám và người dân cần được truyền thông để khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. Bộ đã áp dụng hệ thống TeleHealth để hội chẩn liên tuyến, đảm bảo chất lượng khám bệnh… Hiện Bộ Y tế cũng đã cho phép các trường hợp bệnh nhân bệnh mạn tính được cấp thuốc 3 tháng để hạn chế phải đến cơ sở y tế. Đây là biện pháp chuyên môn không mới và được đúc kết từ các đợt chống dịch trước.
Xét nghiệm là phương pháp duy nhất phát hiện ca bệnh. Do đó Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao năng lực và chủ động trong xét nghiệm. Đồng thời, phải đảm bảo cho tình huống dịch lan rộng trong cộng đồng. Các cơ sở y tế tư nhân dưới sự quản ý của sở y tế, nếu không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch sẽ ngay lập tức dừng hoạt động.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, đợt dịch lần này phức tạp hơn vì đã có mầm bệnh trong cộng đồng và virus chủng Ấn Độ lây lan nhanh, mạnh hơn. Đây là đợt dịch thứ 4 của Việt Nam và hiện cả nước có một số ổ dịch ở Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K (nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây như Đà Nẵng, Hải Dương và Hà Nội. Hiện chưa tìm thấy F0 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, điều này đồng nghĩa là đã có mầm bệnh trong cộng đồng. Trong khi đó, virus chủng Ấn Độ mạnh hơn, tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Vì vậy, tỉnh thành nào chưa có dịch hết sức cảnh giác, còn tỉnh nào xuất hiện dịch cần bình tĩnh xử lý.
Phó Thủ tướng cho rằng, một trong những nguyên nhân bùng phát dịch là vấn đề quản lý người nhập cảnh hợp pháp. Thời gian qua, gần 20.000 chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh và cách ly tại khách sạn trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành không có kế hoạch quản lý chặt nhóm người này.
Đặc biệt, có người được đề xuất nhập cảnh không nằm trong nhóm thật sự cần thiết. Nhiều khách sạn cách ly không nghiêm. Việc bàn giao người hoàn thành cách ly về địa phương chưa có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành. Không ít trường hợp đang phải giám sát sức khỏe tại nhà nhưng đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Người cách ly xong 14 ngày vẫn nằm trong diện theo dõi nhưng gần như bị buông lỏng; trong thời gian cách ly mà có người còn đi liên hoan, karaoke là không chấp nhận được, do đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải siết lại. Toàn bộ những người kết thúc cách ly tập trung cần được bàn giao cho tổ dân phố nơi sinh sống; người lao động bàn giao cho doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc. Doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chuyên gia nước ngoài nhập cảnh. Nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý.
“Chính quyền, ngành y, cơ quan, doanh nghiệp cần kiểm tra lại trách nhiệm, không để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua. Tất cả khu cách ly tại khách sạn và trực thuộc quân đội phải lắp camera giám sát”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khởi động lại các hoạt động phản ứng nhanh, trong đó có hoạt động của tổ phòng Covid-19 cộng đồng. Muốn ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả, cần ngăn người nhập cảnh trái phép; điều quan trọng là dựa vào người dân để phát hiện người có dấu hiệu vi phạm quy định về nhập cảnh, cách ly.
“Một số nơi cho chuyên gia vào không thực sự cần thiết. Bây giờ khép kín chu trình, từ đăng ký vào Việt Nam, lúc cách ly, hết cách ly, 21 ngày trong thời gian này là một chu kỳ khép kín”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về vấn đề giãn cách xã hội chống dịch, Phó Thủ tướng nêu kinh nghiệm một số địa phương như Hà Nội, TPHCM chỉ cho dừng hoạt động một số dịch vụ nguy cơ cao như karaoke, bar, vũ trường. Trong khi một số tỉnh mới có một vài ca mắc đã giãn cách toàn tỉnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống dịch. Tỉnh, thành nào muốn giãn cách xã hội cần trao đổi với các địa phương xung quanh để tránh ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành y tế cần lên phương án điều trị cho bệnh nhân ở các khu vực khác. Các bệnh viện cần sẵn sàng phương án điều trị 30.000 người mắc trở lên mà không quá tải.
Giãn cách xã hội: tránh áp dụng cực đoan
Sau khi nghe một số tỉnh, thành thông tin tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không được để tình trạng một người thiếu ý thức phòng chống dịch khiến cả xã hội phải vất vả. Không lơ là, chủ quan nhưng cũng không nên quá "hoảng hốt", đưa ra những quyết định vội vàng làm phương hại đến ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đợt dịch thứ 4 xảy ra có nguyên nhân cơ bản lơ là chủ quan mất cảnh giác của nhiều địa phương. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, không tuân thủ quy định về cách ly, phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu chống dịch phải quyết liệt, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra tổ dân phố và thực hiện đi từng ngõ, gõ từng nhà để truy vết dịch. Tuy nhiên, cần tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hốt hoảng, sợ sệt, mất bình tĩnh. Trong thời điểm càng khó khăn này, các địa phương càng cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, nắm chắc tình hình để lựa chọn phương án phù hợp.
Cần tỉnh táo, thông minh, sáng suốt đánh giá đúng tình hình để không đưa ra những biện pháp quá mức cần thiết, gây phương hại đến sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Cần nghiên cứu kỹ việc thực hiện giãn cách xã hội, tránh áp dụng cực đoan; cân nhắc thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội toàn tỉnh. Khi quyết định cần báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo và các địa phương lân cận để không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, không ùn tắc hàng hóa...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng tiếp cận bằng mọi cách, mọi nguồn, quan hệ để mua được vaccine ngừa Covid-19. Cần tăng cường biện pháp về công nghệ cũng như các giải pháp giám sát, kiểm tra. Đặc biệt là thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K + vaccine".
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan xây dựng các kịch bản cụ thể đảm bảo an toàn cho việc bầu cử, chủ động báo cáo Trung ương. Làm sao để tổ chức kỳ bầu cử an toàn nhưng phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng người.