Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu phát hiện có bảo kê, không có vùng cấm.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 500 chợ, 110 siêu thị đều đang hoạt động phục vụ nhu cầu kinh doanh của tiểu thương, nhu cầu mua sắm của người dân bình thường. UBND TP cũng đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các ban quản lý chợ, đơn vị công an địa phương để đảm bảo hoạt động bình thường của các chợ, nếu phát hiện nơi nào có phản ảnh vi phạm như ở chợ Long Biên đều sẽ xử lý nghiêm.
Trả lời câu hỏi về dư luận có công an "bảo kê" cho việc thu tiền tại chợ Long Biên, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nếu có việc công an bảo kê thì đây là việc không thể chấp nhận.
“Nếu có thông tin chính xác về việc này, đề nghị người dân, các nhà báo cung cấp cho công an. Hiện Công an Hà Nội đang vào cuộc tích cực, trách nhiệm. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo phải khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử một cách sớm nhất”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói.
Tại phiên họp lần này, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý xử lý nghiêm vụ việc chợ Long Biên mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát phóng sự về tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hoá, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng.