Sáng 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 46. Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại Điều 38 của Luật Việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm vì sẽ phát sinh chi ngân sách, nhân lực của Nhà nước và chưa sát với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định, người lao động thực hiện đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật này thì cũng được hưởng các quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về việc quản lý lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp, cơ quan thẩm tra cho rằng đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình lao động qua biên giới với các nước láng giềng rất đa dạng, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn. Việc bổ sung quy định này vào dự thảo luật đã được Chính phủ, Ban soạn thảo cân nhắc nhiều lần và đã không đưa vào dự thảo Luật khi trình Quốc hội.
“Để tránh khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về lao động, vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và quy định trong các văn bản phù hợp. Do đó, đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo bổ sung giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Văn Chiến cũng bày tỏ quan điểm thận trọng: “Không chỉ ở khu vực biên giới, cơ quan soạn cần giải trình rộng hơn về tình hình đi lao động ở nước tiếp giáp trên cả nước”.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, bà Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch; một số ý kiến đề nghị làm rõ Quỹ ngoài ngân sách nhưng lại là đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở của quy định trích 10% chi phí quản lý; một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ này.
Thường trực Ủy ban cho rằng, việc tiếp tục duy trì Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, Quỹ do người lao động, doanh nghiệp đóng góp là chính, không sử dụng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (vì không phù hợp với tinh thần của nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII); giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về Chủ tịch, thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ; tổ chức, hoạt động của Quỹ; mức đóng; mức chi phí quản lý Quỹ; mức chi theo các nhiệm vụ chi.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 70, 71), tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài và theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động sau khi về nước; bổ sung trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người lao động tiếp cận làm các thủ tục hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước khi họ đang làm việc ở nước ngoài…