Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung tối đa nguồn lực phát triển vùng Tây Nguyên

Ngày 1-7, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-12002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng với vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững cần tăng liên kết vùng, đầu tư và kết nối hệ thống hạ tầng chiến lược; xây dựng và thực hiện các quy hoạch, trong đó tăng tính liên kết vùng và với cả nước; phát huy khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên...

Thủ Tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ của các tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia và ASEAN.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tập trung tối đa nguồn lực phát triển vùng Tây Nguyên ảnh 2 Quang cảnh Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng định hướng, giải pháp trọng tâm của vùng Tây Nguyên trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, đất, nước và rừng của Tây Nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Tập trung nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông-lâm trường.

Ngoài ra Thủ tướng cũng yêu cầu, phải phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Tập trung tối đa các nguồn lực cả trong và ngoài nhà nước, cả ở Trung ương và địa phương, cả ở trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục