Chiều 3-11, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Phnom Pênh (Campuchia), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Phnom Pênh, Campuchia từ ngày 10 đến 13-11".
Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự nhiều hội nghị quan trọng, thảo luận nhiều vấn đề lớn như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo các đối tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia và các nước khác, đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề của ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Liên quan tới vấn đề Myanmar, trả lời câu hỏi của báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh. Với tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là thông qua thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, với ưu tiên chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa các bên liên quan vì lợi ích của người dân Myanmar, vì đoàn kết, toàn vẹn ASEAN, và vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều phối các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Myanmar".
Trả lời câu hỏi về nguy cơ Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng an ninh lương thực từ những động thái liên quan đến Thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Theo thống kê mỗi năm, Việt Nam sản xuất được từ 41 - 43 triệu tấn lúa gạo và 6,5 triệu tấn thịt các loại... đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, với vai trò là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu. Cũng theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Là thành viên có trách nhiệm của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này".
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hãng đấu giá Millon (Pháp) chuẩn bị đưa ra đấu giá ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) cùng một số cổ vật khác có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Về việc này, báo chí Việt Nam đã đưa tin. Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL cùng các, bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để xác minh thông tin, tạm dừng cuộc đấu giá. Ngày 31-10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thông tin cho biết, phiên đấu giá đã được dời lại tới ngày 10-11-2022".
“Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ VH-TT-DL tìm kiếm các khả năng và triển khai biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.