Chiều 8-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Quảng Nam năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Mong có cơ chế đặc thù
Báo cáo với Thủ tướng, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024, kinh tế tỉnh tăng 7,1%, thu ngân sách đạt 27,6 ngàn tỷ đồng, đạt 113% dự toán.
Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ và đã được các tổ chức quốc tế bầu chọn, tôn vinh nhiều danh hiệu uy tín.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam hoàn thành Đề án sắp xếp các sở, ngành cấp tỉnh và các phòng cấp huyện. Theo đề án, cấp tỉnh giảm được 6 đầu mối sở, ngành (từ 19 xuống còn 13), giảm được 21,8% đầu mối bên trong các sở, ngành. Đến nay, có 443 người có nguyện vọng và có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc, trong đó, có 23 đồng chí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Ngày 6-5-2022, Văn Phòng Chính phủ có thông báo số 135 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Quảng Nam. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện “Cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam”.
Trong đó, tập trung một số chương trình, dự án lớn như xã hội hóa Sân bay Chu Lai, thí điểm khu phi thuế quan tại Khu kinh tế mở Chu Lai, cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược, phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai trở thành Trung tâm Công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí đa dụng quốc gia…
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2024 và đầu năm 2025, Quảng Nam có tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội… cơ bản tốt; đóng góp quan trọng vào phát triển chung của cả nước trên tất cả lĩnh vực.
Tuy nhiên, đời sống đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn dù đã có cố gắng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, nhiều lợi thế cần được khai thác...
Thủ tướng lưu ý, tỉnh Quảng Nam lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong phục vụ, đổi mới sáng tạo, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Cùng với đó, rà soát lại các chỉ tiêu đã làm tốt để nâng cao chất lượng, chỉ tiêu chưa đạt cần phấn đấu hơn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam nỗ lực, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt ít nhất 10%; gợi ý Quảng Nam lấy đường ven biển làm hành lang phát triển mới.
Đầu tư xây dựng Sân bay Chu Lai
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan xã hội hóa đầu tư, khai thác Sân bay Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang.
Đây là sân bay rất quan trọng, tôi rất tâm đắc. Việc khó nhất là giải phóng mặt bằng nhưng tại Sân bay Chu Lai thì không có trở ngại. Đây là khu vực trung tâm, từ Sân bay Chu Lai chỉ cần bay 5 giờ đồng hồ đã bao phủ hết 60% GDP của thế giới, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Trung Đông. Đây là tiềm năng phát triển, tập trung việc này là trọng điểm
- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư, phối hợp các bộ giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025.
Theo Thủ tướng, Tỉnh Quảng Nam cũng phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào.
Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai; yêu cầu tỉnh nỗ lực để đến tháng 6-2027, phải hoàn thành trung tâm này.