Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia và hơn 300 nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân trên cả nước về dự buổi đối thoại.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: “Một trong những khó khăn hiện nay của nông dân là khâu tiêu thụ nông sản còn khó khăn và làm sao để đảm bảo cho nông dân có lãi. Giải quyết vấn đề này cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt. Đó cũng chính là lý do để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lấy chủ đề của hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân lần này là “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. 3 vấn đề trọng tâm tại buổi đối thoại lần này là “Sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản”, “Vốn, đất đai và biến đổi khí hậu”, “Môi trường, nông thôn mới và các vấn đề xã hội ở nông thôn”, được nhiều nông dân quan tâm…”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và chào mừng 300 đại biểu nông dân về đây dự đối thoại trên tinh thần cởi mở, sâu sắc, thiết thực… Đã có hơn 2.000 câu hỏi của nhiều nông dân trên cả nước gửi đến, với nhiều vấn đề cấp thiết trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng lưu ý, trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, nông dân cần làm sao để sản xuất ra sản phẩm tốt, giá thành thấp nhằm xuất khẩu được lợi thế. Muốn vậy, nhà nước cần hỗ trợ những gì, các ngành liên quan phải làm sao và nông dân làm gì để sản xuất hiệu quả? Ngân hàng cũng phải tích cực hỗ trợ vốn nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Ứng phó với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL cần giải pháp thích nghi và phát huy lợi thế của vùng, ngành chức năng cần tập trung hỗ trợ nông dân ĐBSCL…
Thủ tướng cũng đề nghị nông dân phải tự đổi mới để thích ứng với thị trường. Phải thay đổi tập quán canh tác, liên kết, qui tụ nông dân tham gia vào HTX, không nên làm theo cách cũ là cứ hàng năm canh tác 3 vụ sẽ gây khó về môi trường…
“Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chúng tôi mong muốn nghe những ý kiến sâu sát, thiết thực của nông dân. Các bộ, ngành Trung ương cần trả lời thẳng thắn cho nông dân, để đạt kết quả tốt nhất…”, Thủ tướng nói.
Tại phiên đối thoại, ông Trần Công Danh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), băn khoăn về tình trạng nông sản cứ thường rơi vào cảnh “được mùa rớt giá, cứ tái đi tái lại”; trong khi ngành nông nghiệp và ngành công thương chưa hỗ trợ tốt cho nông dân trong dự báo thị trường. Ngoài ra, thu nhập của người dân nông thôn hiện nay thấp, cần giải pháp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hùng Thắng, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho rằng: “Nông dân tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, trong khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy suất nguồn gốc…, nông dân còn gặp những khó khăn nhất định, nên rất cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, khi nông dân có phát minh hoặc có sáng kiến mới… nhưng ngành chức năng hỗ trợ còn chậm. Điều này làm những sáng chế của nông dân chưa được phát huy như mong muốn”.
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT nhìn nhận, về dự báo sản xuất theo thị trường thì trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có nói rõ. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT có nhiều bản tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường là liên tục; vì vậy tới đây sẽ tăng cường các bản tin dự báo.
Về phát triển sản xuất bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, Bộ NN-PTNT trình với Thủ tướng các đề án về điều chỉnh ở ĐBSCL, chuyển từ trữ mặn sang điều tiết mặn phù hợp; đề án về phát triển giống, cây trồng vật nuôi, giống thủy sản đến năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, sạt lở. Hiện nay, Bộ NN-PTNT không chủ trương làm lúa bằng mọi giá, mà đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, theo hướng tăng giá trị…
Trả lời ý kiến của nông dân, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định: Có thể nói, nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng có nhiều lợi thế; nhất là về tôm cá, lúa, trái cây ở ĐBSCL; song cứ vướng thị trường tiêu thụ? Cần thấy rằng, nông sản của ta có số lượng nhưng về năng lực cạnh tranh còn yếu. Quy mô sản xuất còn nhỏ, kinh tế hộ, khiến chất lượng ảnh hưởng. Do đó, cần thay đổi sản xuất theo hướng liên kết 6 nhà là cấp thiết.
Vấn đề này, cần đổi mới sản xuất, phát triển mô hình HTX để tăng quy mô và đảm bảo hàng hóa chất lượng. Đối với công tác nghiên cứu thị trường thì Bộ Công thương đang xây dựng lại dự báo kịp thời, đầy đủ… để đáp ứng cho nông dân”.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những câu hỏi đặt ra của nhiều nông dân, đồng thời đánh giá cao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị rất tốt.
Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ một đất nước khó khăn về nông nghiệp, nay trở thành đất nước xuất khẩu mạnh nông sản trên thế giới. Riêng cây lúa đảm bảo lợi nhuận 30% cho nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp trong thời kỳ mới còn những khó khăn; trong đó liên kết 6 nhà còn trở ngại. Tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra, người dân còn thiếu thông tin trong định hướng sản xuất…
Thủ tướng yêu cầu trên các trang web của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT… cần có những dự báo thị trường tốt hơn để cung cấp thông tin cho nông dân tham khảo.
Thủ tướng khen ngợi việc Sóc Trăng vừa sản xuất ra hạt gạo ngon nhất thế giới (giống ST 25), vì vậy cần xuất khẩu với giá cao. Trong canh tác nông nghiệp cần quan tâm bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, sẽ giảm 500.000ha đất trồng lúa để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác nhằm phát huy hiệu quả đất nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần rà soát thủ tục, hỗ trợ cho nông dân đủ vốn, lãi suất phù hợp cho phát triển nông nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương… phải chuyển biến mạnh trong điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất hiệu quả; tăng cường phát triển nông nghiệp hữu cơ; sẽ có chủ trương mạnh mẽ trong liên kết vùng để phát triển bền vững ĐBSCL…