Sáng 4-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8. Kỳ họp này, Chính phủ tập trung vào thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, những giải pháp cụ thể để huy động mọi nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng cũng như cho ý kiến về những vấn đề khác nổi lên trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), trong bối cảnh thế giới có những diễn biến mới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng khó khăn, thách thức đối với kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019 của nước ta vẫn giữ được đà tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ (0,28%). Tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.
Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%. Xuất siêu tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến các nhận định trong những báo cáo mà một số cơ quan trình lên, cho rằng kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra. Các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu, đáng lo ngại. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Thủ tướng cũng nhắc đến dự báo của nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 như ADB dự báo tăng trưởng 6,8%, HSBC dự báo tăng trưởng 6,7%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng ở mức 6,86% năm 2019, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%.
Thủ tướng khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm 2019 (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%). Bên cạnh đó, năm nay, thu ngân sách tăng khá, thể hiện thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm. |
Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến đáng mừng. Tổ chức trang trọng, ý nghĩa các sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia. Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển của nước ta.
Thủ tướng nêu rõ, trong 4 tháng còn lại của năm 2019, tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm 2019; đồng thời nhắc nhở không thể chủ quan, thúc đẩy các cấp, các ngành làm tốt hơn công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão…
Sáng 4-9, mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các thành viên Chính phủ nhắn tin ủng hộ người nghèo. Ngày Vì người nghèo được tổ chức hằng năm vào 17-10, mang lại kết quả tốt cho người nghèo khi trong quá trình phát triển đất nước, còn một bộ phận người dân gặp khó khăn mà toàn xã hội cần quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 sẽ mở cho đến hết ngày 31-12-2019, ngày nào chúng ta cũng có thể nhắn tin vì người nghèo. Năm nay, chương trình có khác biệt với các năm trước là mỗi một lần nhắn chỉ ủng hộ được 20.000 đồng thì lần này, có thể lựa chọn số tiền ủng hộ với mức thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng với mỗi lần nhắn.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo sẽ được thực hiện theo cú pháp: VNN hoặc VNNn hoặc VNN n gửi 1408 (trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin; số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn từ 1-100). Số tiền từ tin nhắn sẽ được đưa vào chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo".
Được biết, từ năm 2017 đến nay, chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" được tổ chức hàng năm vào 17-10 nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến các tầng lớp xã hội; trong đó riêng năm 2018 thu được hơn 3.000 tỷ đồng ủng hộ người nghèo; trong tháng 10-2018, tổng đài 1400 thu được 6,3 tỷ đồng.