Ngày 15-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ: Công thương và Tài chính báo cáo về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ Tài chính phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4-2020, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công thương về việc này. Bộ Tài chính phải báo cáo việc mua tạm trữ lương thực...
Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia. Lý do là tính đến hết ngày 8-4, trong tổng số 190.000 tấn gạo kế hoạch đấu thầu có 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu; 178.000 tấn gạo có nhà thầu trúng thầu nhưng mới chỉ ký được hợp đồng 7.700 tấn gạo. Số lượng gạo các nhà thầu từ chối ký hợp đồng là 170.300 tấn gạo.
Các đơn vị trúng thầu từ chối ký hợp đồng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực trong nước tăng cao. Thị trường xuất khẩu gạo sang Philippines, Malaysia, Trung Quốc... tăng mạnh, giá gạo liên tục tăng từ thời điểm tham dự thầu (ngày 12-3) so với thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4) nên nhà thầu không thực hiện được và có văn bản từ chối ký hợp đồng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các cục dự trữ nhà nước khu vực theo thẩm quyền phân cấp xử lý các doanh nghiệp trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu. Dự kiến, trong tháng 5, tổng cục sẽ hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ; thời gian kết thúc, nhập kho gạo trong tháng 6.