Ngày 20-4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn, cơ chế vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng để bảo đảm tốc độ, chất lượng xây dựng, tháo gỡ được những thủ tục vướng mắc, rườm rà từ TƯ đến địa phương trong đầu tư xây dựng để giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn tư nhân tốt hơn. Tháo gỡ cả về trước mắt và lâu dài như đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn... Trong đó Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng, bảo đảm tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng.
Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề phối hợp từ TƯ đến địa phương. Giám sát chất lượng công trình, làm sao để khắc phục tình trạng công trình kém chất lượng, lãng phí, thất thoát.
Thủ tướng nhấn mạnh, những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa.
Cho rằng còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo, Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ.
Tuy nhiên hiện nay những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.
Ví dụ tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung phương án thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Quy định sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhóm B trở lên chưa phù hợp. Dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư thấp (từ 45 tỷ đồng trở lên), việc bắt buộc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu quốc tế có thể gây kéo dài thời gian và không thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, hiện còn nhiều vướng mắc khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác; Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn..
Từ thực tế đó, Bộ Xây dựng đề xuất rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... Trong đó đáng chú ý có sửa đổi, bổ sung quy định xác định giá bồi thường khi thu hồi đất theo phương pháp thị trường. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bất động sản liên quan đến nội dung mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch. Cho phép loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất chỉ quy định mốc thời gian tối thiểu cho chuẩn bị hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư. Sơ tuyển quốc tế chỉ áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.
Bộ Xây dựng cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực thống nhất, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định không còn phù hợp và đã được đánh giá tác động cụ thể. Bởi nếu chỉ sửa đổi rải rác từng luật thì không thể tháo gỡ kịp thời và khả thi các vướng mắc trong thực tiễn.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội bất động sản TPHCM đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ; quản lý thị trường đất đai, bất động sản...