Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Công điện nêu, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Trong nước, căn cứ vào thực tiễn và yêu cầu phát triển đặt ra, theo đề xuất của Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có kết luận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu chủ động bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Trong đó, cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, trong đó 37 tỉnh, thành không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý 1-2025 theo kịch bản đề ra phải phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân để có giải pháp đột phá, khả thi, tăng tốc phát triển trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trình Chính phủ, trong đó điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý 2 và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công - tư; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" hoàn thành trong tháng 5-2025, "Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh" sau khi thành lập tỉnh mới.
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm kinh tế; nghiên cứu mô hình "Cảng miễn thuế" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam…
Thủ tướng cũng chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển; Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó cần xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.