Trong khi đó, một doanh nghiệp phải trả lãi tiền tỷ hàng tháng, đối diện nguy cơ phá sản chỉ vì... thủ tục đầu tư nhà máy giết mổ quá nhiêu khê!
Lỗi vì con rạch
Đó là trường hợp của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ). Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM. Tuy gọi là nhà máy, nhưng ngoài 4 bức tường đã xây dựng hoàn chỉnh, còn lại bên trong đều dang dở, ngổn ngang hàng trăm trụ bê tông lởm chởm sắt vươn lên trong đám cỏ lát, khu xử lý nước thải bị rong rêu đeo bám, máy móc thì trùm mền. Văn phòng làm việc nằm lẫn trong khu nhà tôn bụi bặm.
Bà Hồng Thắm chua xót giải thích: “Để kịp tiến độ vận hành theo chỉ đạo của TP, công ty đã nỗ lực cùng lúc tiến hành làm 3 việc: thủ tục thành lập nhà máy, thi công hạ tầng và nhập máy móc từ Brazil. Hơn 150 tỷ đồng đã đổ vào đó, nhưng vì thủ tục bị đình trệ, nên hiện nay mỗi tháng công ty phải trả lãi tiền tỷ, đối mặt với bờ vực phá sản”.
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ cái gọi là đất công. Khu đất có diện tích gần 3ha, được Công ty An Hạ nhận chuyển nhượng, phù hợp với quy hoạch của thành phố về hoạt động giết mổ. Tuy nhiên, với 387,1m2 đất công (gồm 179,8m2 con rạch có chiều ngang khoảng 1m, cùng 207,3m2 đường bờ chiều ngang hơn 2m) nằm giữa khuôn viên khu đất làm dự án, từ đây các cơ quan chức năng TP không thực hiện thủ tục giao đất cho An Hạ, vì chiếu theo quy định đất công phải đấu giá.
“Rẻo đất chút xíu, loằng ngoằng nằm trọn trong dự án không thể đấu giá cũng như đưa vào sử dụng cho mục đích khác. Chúng tôi mong muốn được thuê để làm dự án cho nhanh nhưng không được giải quyết”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nói.
Nếu tính từ ngày 27-7-2017, UBND TPHCM cấp quyết định chủ trương đầu tư, cho phép Công ty An Hạ thực hiện dự án Nhà máy Giết mổ gia súc Xuyên Á, thì 30 tháng đã trôi qua. Còn tính từ ngày 23-7-2018, Công ty An Hạ nộp hồ sơ xin thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở TN-MT TPHCM, đến nay hơn 17 tháng.
Thời gian trôi từng ngày, công ty gồng mình trả lãi, hồ sơ của dự án tiếp tục dày thêm. Sở TN-MT đã có 4 văn bản đề xuất, tham mưu UBND TP ban hành 3 công văn yêu cầu các cơ quan rà soát lại sự việc. Đáng chú ý, trong văn bản trình UBND TPHCM ngày 6-12-2019, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở TN-MT, nhận định, việc giao phần đất công nêu trên để thực hiện dự án là phù hợp quy định, không thể thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Mới nhất, ngày 12-12-2019, Văn phòng UBND TP có văn bản truyền đạt chỉ đạo của đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, yêu cầu các sở ngành tiếp tục rà soát để tổng hợp báo cáo.
Về phần mình, bà Hồng Thắm đã viết đơn kêu cứu gửi HĐND TP, UBND TP và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, với nội dung: “Chúng tôi quá bế tắc và đang đứng ở bờ vực phá sản. Công ty rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết để được xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động”.
Quy hoạch “bóp” nhà máy
Trong khi thủ tục giao thuê đất chưa biết ngày nào xong, Công ty An Hạ lại đối mặt với khó khăn khác, đó là việc thay đổi quy hoạch.
Theo giấy phép quy hoạch của Sở QH-KT TPHCM cấp cho công ty vào ngày 15-9-2017, đất cây xanh cách ly đảm bảo từ 20% - 25%. Vào thời điểm đó, diện tích đất của nhà máy dừng lại khoảng 3,3ha. Tuy nhiên, sau khi Tiêu chuẩn Quốc gia về thịt mát ban hành, hướng đến chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao, buộc phải có kho lạnh, pha lóc, đóng gói nên công ty mở rộng diện tích thêm 12.990,6m2.
Từ đó, ngày 22-10-2018, Sở TN-MT đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với phạm vi: “Dự án Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, công suất 3.240 gia súc/ngày, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 48.432,04m2; diện tích cây xanh cách ly là 14.152,68m2”.
Tất nhiên, trước đó vào ngày 22-3-2017, trong văn bản trả lời công ty, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, khẳng định: “Qua xem xét, việc mở rộng diện tích xây dựng nhà máy giết mổ gia súc của Công ty An Hạ nhằm tăng diện tích cây xanh cách ly của nhà máy với khu vực xung quanh là cần thiết. Do đó, UBND huyện thống nhất về mặt chủ trương, để công ty mở rộng thêm 12.990,6m2 làm cây xanh cách ly của nhà máy với khu vực xung quanh”.
Thế nhưng, thật bất ngờ! Sau khi quy hoạch 1/2000 điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của khu dân cư xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, được phê duyệt vào ngày 2-2-2019, phần diện tích 1,29ha của công ty vẫn là quy hoạch làm cây xanh, nhưng lại là “cây xanh công cộng” của toàn bộ khu vực.
Điều này có nghĩa, công ty không được sử dụng phần diện tích trên để phân bổ làm cây xanh cho nhà máy, tức là không đáp ứng được tiêu chuẩn cây xanh theo quy định. Như vậy, công ty phải trừ đi 20% - 25% từ tổng diện tích 3,3ha để làm cây canh cách ly. Lúc này, nhà máy chỉ còn mỗi nhà xưởng giết mổ, khu xử lý nước thải, còn khu kho lạnh chứa thịt mát… phải làm nơi khác, vì không đủ diện tích.
Quá bức bối với tiền hậu bất nhất nêu trên, bà Hồng Thắm tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu, nhưng câu chuyện vẫn rơi vào bế tắc.
Năm 2016, UBND TPHCM có Quyết định 2032 phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo quyết định này, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động và toàn bộ được đưa vào 6 nhà máy giết mổ gia súc trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, tuy nhiên các kế hoạch này đều lần lượt phá sản. Đầu năm 2019, UBND TPHCM có Quyết định số 300/QĐ-UBND, theo đó, đến ngày 30-9-2019, TPHCM đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại, giảm dần các lò giết mổ thủ công, nhưng một lần nữa, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được. |