Thủ tục làm thẻ căn cước khi không còn công an cấp huyện

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương từ ngày 1-3 chuyển toàn bộ chức năng cấp căn cước công dân của công an cấp huyện về công an cấp xã. Việc này dựa trên nguyên tắc: các địa phương sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp, thuận tiện cho người dân để tổ chức cấp căn cước.

Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên

Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước. Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Đối với người dưới 14 tuổi

Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

H4c.jpg
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TPHCM) cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: CHÍ THẠCH

Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi. Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Đổi thẻ căn cước online

Bước 1: Người dân truy cập vào trang chủ của cổng dịch vụ công Bộ Công an. Sau đó, tiến hành đăng nhập bằng tài khoản VNeID để thực hiện đăng ký cấp đổi căn cước.

Bước 2: Điền thông tin tài khoản vào Đăng nhập -> Chọn mục Nộp hồ sơ trực tuyến. Bước 3: Nhập vào mục từ khóa Căn cước -> Nhấn chọn Tìm kiếm -> Chọn tiếp vào mục Cấp đổi thẻ căn cước. Bước 4: Nhấn chọn tiếp vào mục Nộp hồ sơ -> Điền thông tin cá nhân -> Chọn mục lý do, sẽ thấy phần Đổi thẻ căn cước khi đủ 25, 40 và 60 tuổi. Bước 5: Chọn nơi cấp, đổi căn cước -> Sau khi hoàn tất hết thông tin, chọn Gửi yêu cầu đăng ký đổi thẻ căn cước.

Sau khi hồ sơ được gửi thành công, hệ thống sẽ tự động chuyển đến cơ quan công an nơi công dân đăng ký để tiếp nhận, xử lý. Công dân nhận thẻ căn cước tại cơ quan công an nơi đăng ký làm thủ tục hoặc tại địa chỉ công dân đăng ký nhận kết quả. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, người dân đến cơ quan công an đã đăng ký lịch để thu thập vân tay, chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận ảnh mống mắt, giọng nói và thực hiện thủ tục tiếp theo theo hướng dẫn.

Phí cấp đổi thẻ căn cước

Điều 4, Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định mức thu phí 50.000 đồng/thẻ căn cước trong trường hợp cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại khoản 1, Điều 24 Luật Căn cước 2023, bao gồm: Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; xác lập lại số định danh cá nhân; khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu. Do đó, phí cấp đổi thẻ căn cước khi đến độ tuổi bắt buộc là 50.000 đồng.

Theo Bộ Công an, việc cấp lại thẻ căn cước sẽ được thực hiện tại cơ quan quản lý căn cước của công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công dân cư trú. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an có thể tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại các địa điểm khác như xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc ngay tại nơi cư trú của công dân, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, Công an TPHCM vẫn tiến hành cấp căn cước cho công dân tại các điểm cấp thuộc các Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận, huyện trước đây, Công an TP Thủ Đức và trụ sở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (số 258 đường Trần Hưng Đạo, quận 1). Người dân khi có nhu cầu có thể tới các địa chỉ trên để làm căn cước. Riêng với việc cấp định danh điện tử, người dân có thể tới công an các xã, phường trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục