Độ rủi ro cao
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các dự án bất động sản ở TPHCM vướng mắc hàng đầu hiện nay là về pháp lý, thủ tục chồng chéo, thiếu tính thực tiễn cùng với nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài từ hai đến ba năm khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ngoài ra, việc tính tiền sử dụng đất đối với phần lớn dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM đều bị chậm trễ; nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TPHCM.
Hệ quả là rất nhiều dự án bất động sản bị “đóng băng”, không thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Việc này gây thiệt hại cho doanh nghiệp về chi phí vốn, lãi vay ngân hàng, mất cơ hội kinh doanh, thậm chí doanh nghiệp còn đối mặt nguy cơ phá sản... Do đó, số lượng dự án đưa ra thị trường bị sụt giảm, giá nhà đất tăng lên, người mua nhà càng ít có sự lựa chọn sản phẩm phù hợp, gặp nhiều rủi ro khi phải nhận “nhà trên giấy”, giảm cơ hội sở hữu nhà ở của phần lớn người dân, tác động xấu đến an sinh xã hội, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng, việc thực thi Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa nghiêm, hệ thống luật pháp quản lý đất đai hiện rất rườm rà nhưng lại có không ít lỗ hổng, đặc biệt là chưa có giải pháp đánh thuế đất và dự án bỏ không, giải pháp chống đầu cơ…
Cần thông thoáng, minh bạch
Hiện có nhiều dự án bất động sản xây dựng xong nhưng không có sổ đỏ cho người dân, hay xây lên cao rồi nhưng chưa thể bán vì chưa biết tiền sử dụng đất là bao nhiêu để tính đúng “đầu ra – đầu vào”. Vấn đề này Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài chính sớm xây dựng các nguyên tắc về tiêu chí thẩm định giá đất đối với dự án kinh doanh bất động sản. Đồng thời Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện lại quy trình, thủ tục hành chính về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, nhằm rút ngắn thời gian hơn.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế và bất động sản, cần sớm bỏ bớt hồ sơ giấy, cần quản lý và giao dịch bằng hồ sơ điện tử để giảm tối đa thời gian và chi phí phát sinh. Cần thống nhất, đồng bộ hóa quy trình thủ tục, cơ chế quản lý và nâng cao đạo đức công vụ của người thừa hành, thực thi pháp luật. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp lý liên quan cần được nhìn toàn diện để đơn giản, minh bạch, dễ thực thi.