Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2023 với Chủ đề Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức đã diễn ra sáng nay, 11-1, tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng... Đây là sự kiện thường niên lần thứ 15, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, kinh tế thế giới phục hồi hết sức bấp bênh, tăng trưởng năm 2022 thấp nhất trong 2 thập kỷ vừa qua không kể thời điểm cao trào của dịch bệnh năm 2020 và khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Các cuộc khủng hoảng xảy ra ở nhiều lĩnh vực từ địa chính trị, năng lượng, lương thực, lạm phát, dịch bệnh... trong khi thế giới vẫn đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc, mau lẹ và có tính hệ thống. Bối cảnh “đa khủng hoảng đan xen đa chuyển đổi” này đã tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng cũng cho thấy năng lực thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại diễn đàn |
"Việc duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng 8,02% - nằm trong nhóm tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 730 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả rất có ý nghĩa, không chỉ tạo dư địa cho điều hành vĩ mô năm 2023 mà còn là nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của giai đoạn 2023-2025. Nhiều bài học đã được tổng kết, nhưng tôi cho rằng bài học về sự thích ứng, khả năng thích nghi, điều chỉnh, bám sát thực tiễn là rất đáng lưu tâm trong bối cảnh thế giới bất ngờ, bất trắc, bất định như thời gian qua", ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Dự báo tình hình năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khái quát, trong “nguy” có “cơ”, nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ”.
Thứ nhất, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng, đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật (IMF dự báo 1/3 các nền kinh tế trên thế giới sẽ suy thoái trong năm 2023). Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm.
Cùng với đó, các chuyển đổi mang tính cơ cấu sẽ tiếp tục tạo ra các “va đập”, “tái cấu trúc” và định hình các nguyên tắc, “luật chơi” mới trong quản trị kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược nước lớn về kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước. Nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được các nguồn lực đầu tư mới, đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để “bứt tốc”.
Cần chú trọng phương châm "3K". Ảnh minh họa: CAO THĂNG |
Từ góc độ kinh tế đối ngoại và triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng cần chú trọng phương châm "3K".
Thứ nhất, kiên định “ổn định chiến lược”; duy trì, củng cố nội lực của nền kinh tế. Duy trì mức tăng trưởng hợp lý là mục tiêu xuyên suốt được đề ra trong các kế hoạch, nghị quyết của năm 2023.
Đối với doanh nghiệp, cần duy trì được các yếu tố nền tảng, các bạn hàng lớn, thị trường chiến lược, đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa, tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ các thị trường ngách.
Thứ hai, kiên quyết giữ vững “tự chủ”, “tự cường” gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt – các “gene nội” của nền kinh tế cần đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên cơ sở gắn với nhu cầu của thị trường, tăng cường đầu tư đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động để cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023, tuy vậy cần bảo đảm cân bằng, phù hợp giữa các lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hóa nguồn lực.